Năm nay, những vở diễn tiêu biểu Ông không phải là bố tôi, Ai là thủ phạm, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Sống mãi tuổi 17 sẽ biểu diễn trong tháng 7, 8. Dàn nghệ sĩ: NSƯT Đức Khuê, NSƯT Hoa Thúy, Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Lương Thu Trang, Bá Anh, Quang Ánh, Thanh Bình, Thanh Dương, Nguyệt Hằng, Anh Thơ, Chí Huy, Thanh Tú, Minh Cúc, Đức Anh, Du Ka, Hương Thủy... sẽ tham gia.

NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, mỗi vở kịch của Lưu Quang Vũ mà đơn vị dàn dựng đều mang những khát khao sáng tạo của các nghệ sĩ khi đứng trước thách thức làm mới mình.

Diễn viên Thanh Sơn, Thu Trang trong vở 'Ông không phải là bố tôi'.

"Ứng xử với những tác phẩm có tầm vóc, mang đậm tính khái quát điển hình, vừa là cách tiếp nối và khẳng định các giá trị bền lâu của kịch Lưu Quang Vũ, vừa mở ra không gian đối thoại giữa khán giả với tư tưởng, tình cảm mà ông gửi gắm", NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến chia sẻ.

Ông không phải là bố tôi là một trong những tác phẩm cuối cùng của Lưu Quang Vũ. Vở kịch kể về người chồng đã chối bỏ vợ con. Sau bao năm xa cách cùng nhiều biến cố, ông mới quay về tìm lại gia đình. Gia đình ấy một lần nữa đảo lộn trước giông bão của những toan tính, lòng tham. Tình cảm cha con, mối liên kết ruột thịt mới chớm được vun đắp nay lại đứng trước sự tan vỡ, đứt gãy.

Các diễn viên trong vở 'Ai là thủ phạm'.

Vở Ai là thủ phạm kể về đời sống thường nhật của người dân trong những năm 80 của thế kỷ trước ở khu tập thể có biệt danh "Quân khu Phượng Hà". Một lớp trẻ sinh ra và lớn lên với nhiều môi trường giáo dục và hoàn cảnh sống khác nhau… đã đưa số phận các nhân vật tới những ngã rẽ riêng của cuộc đời. Nội dung vở kịch phần nào đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi "Ai là thủ phạm?" của những hiện tượng cá nhân tha hóa, tiêu cực nảy sinh trong đời sống hôm qua và cả ngày hôm nay...

Diễn viên Thu Quỳnh, Tú Oanh trong vở 'Hoa cúc xanh trên đầm lầy'.

Hoa cúc xanh trên đầm lầy chứa đựng nhiều yếu tố giả tưởng xoay quanh cuộc tình tay ba giữa Hoàng-Liên-Vân. Họ là những người bạn trẻ thân thiết, từng một thời ắp đầy kỷ niệm với những bông cúc xanh trên đầm lầy giữa miền quê yên ả.

Vở diễn đề cập về các cỗ máy trí tuệ nhân tạo đã và đang thâm nhập ngày càng sâu vào đời sống xã hội, giúp mang đến một cuộc sống tiện nghi, hoàn thiện. Nhưng có khi chỉ bằng lát cắt máy móc ấy, con người cũng có thể bước sang một hệ giá trị khác làm xói mòn những điều thiêng liêng, tạo ra các hố sâu trống rỗng trong tâm hồn. 

Diễn viên Quang Trọng trong vở 'Sống mãi tuổi 17'.

Sống mãi tuổi 17 kể về hình tượng người anh hùng cách mạng Lý Tự Trọng. Câu chuyện kịch đưa khán giả trở lại một thời kỳ oanh liệt, khi đất nước đang chìm trong ách thống trị của thực dân Pháp. Đây là vở diễn về tinh thần yêu nước, khơi gợi thế hệ trẻ ngày hôm nay ý chí quyết tâm, không lùi bước trước cho con đường mình đã lựa chọn.