Mùa đông năm 2019 đã đến chậm, lại qua nhanh, nhường cho mùa xuân đến sớm vừa ấm áp vừa nồng nàn. Những hàng cây đã trút hết lá rụng, trồi non đang bật lên. Những cánh đồng ngoại ô đã bồng bềnh phủ khắp các loài hoa, sẵn sàng tỏa hương sắc vào từng nhà để đón xuân, mừng xuân. Với Việt Nam năm 2020, xin gửi tới lời chào thịnh vượng.

Hai từ "thịnh vượng" chưa bao giờ được nhắc tới nhiều như năm 2019 trong diễn văn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và các đoàn thể. Thịnh vượng đã có hẳn một diễn đàn của VietNamNet với tựa đề "Vì Việt Nam hùng cường", và lan tỏa sang nhiều diễn đàn khác. Đất nước không chỉ nói, viết và đọc nhiều về thịnh vượng, mà còn làm và kiến tạo nhiều về thịnh vượng trong một năm qua.

Trước hết, đó là khẩu ngữ "không để ai bị bỏ lại phía sau" đã được thực hiện không chỉ với những người yếu thế vì nghèo, mà với cả những người yếu thế trong làm giầu chân chính. Những người này, điển hình là doanh nghiệp tư nhân đã chắc tay, vững chân đi vào thực hiện vai trò làm một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Lần đầu tiên sau hơn 7 thập kỷ thành lập nước, tư nhân Việt Nam từ chỗ không làm được một chiếc ốc vít hợp chuẩn, thì năm 2019 đã làm được ô tô trên những dây chuyền hiện đại, với nhịp độ sản xuất ướng tính bằng phút, bằng giây.

{keywords}
Đây là dịp Đảng cùng toàn dân tổng kết 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, khép lại một chặng đường "dò đá qua sông" đầy sóng gió.

Cũng lần đầu tiên sau 60 năm Sea Games, bóng đá nam Việt Nam đã đăng quang vô địch và bóng đã nữ đã vô địch tới lần thứ sáu.

Cũng phải nhắc lại việc thống kê của Việt Nam sau khi đã bỏ lại phía sau một lực lượng kinh tế trị giá trên 50 tỷ USD trong GDP nhiều năm qua, thì năm 2019 đã phát hiện ra và tức khắc hạch toán vào hệ thống tài khoản quốc gia, làm sáng thêm các cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Từ việc bổ sung này, kinh tế Việt Nam có thể được tăng vài bậc trong xếp hạng toàn cầu.

Cũng không thể không kể tới việc nền kinh tế Việt Nam đã hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong đó tốc độ tăng trưởng ở top đầu thế giới; xuất khẩu lần đầu tiên đạt mốc trên dưới 500 tỷ USD, với độ mở hiếm thấy trên toàn cầu, đóng góp trực tiếp vào GDP với thặng dư 10 tỷ USD xuất siêu.

Trong cuộc chiến thương mại đang khó kiểm soát tại nhiều khu vực, trong công cuộc bảo vệ hòa bình và phát triển tại biển Đông, Việt Nam chứng tỏ đã xác lập được cho mình một hành trình chuẩn giúp vượt qua nhiều trở ngại để mở đường đi tới thịnh vượng.

Cũng không thể không ôn lại những thất bại đã gặp phải trên con đường khám phá Việt Nam thịnh vượng, đó là quốc nạn tham nhũng bắt nguồn từ vi phạm những nguyên tắc kỷ luật của Đảng và luật pháp của Nhà nước.

Đáng kể nhất là nhiều cán bộ cấp chiến lược đã lợi dụng chức quyền được giao để lập ra những "quả đấm thép" đầy sai lệch, khiến nền kinh tế bị lún sâu vào bế tắc, đến nay vẫn còn nhiều chục quả đấm tiếp tục hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ kéo dài, cùng với số vốn hàng triệu tỷ đồng đang bị chôn tại chỗ, không thể chu chuyển trong nền kinh tế.

Số vốn này tương đương với toàn bộ số nợ công của Nhà nước trong nhiều thập kỷ qua tính dồn đến cuối năm 2019 (khoảng trên 3 triệu tỷ đồng). Nếu không có số vốn bị chôn này, Nhà nước đâu bị nợ nhiều đến thế. Những người này đã đánh vào thịnh vượng của nền kinh tế, vào chất lượng của phát triển, vào uy tín của Chính phủ, vào niềm tin của công chúng đối với công cuộc Đổi mới. Hàng loạt người trong họ đã bị lộ diện và xét xử trong vài năm gần đây, nhất là năm 2019.

Con đường đi tới thịnh vượng đã bớt được tham nhũng, nhưng hiểm họa của nó vẫn còn ngự trị tại nhiều huyệt điểm của nền kinh tế - xã hội.  

Lời chào thịnh vượng năm 2020 là sự gửi gắm của người dân về niềm tin mãnh liệt vào con đường xây dựng một xã hội dân giầu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh của Việt Nam.

Trên thế giới đã từng có "Giấc mơ Mỹ", có "Trung Hoa mộng"… Với Việt Nam năm 2020, chúng ta có "Việt Nam thịnh vượng". Ở đâu đó, giấc mơ, giấc mộng có thể chỉ là hư ảo, còn ở Việt Nam, thịnh vượng như chồi non đang bung sức ngay từ buổi đầu xuân này, đã được chuẩn bị trên nền tảng vững chắc của thực tiễn hơn ba thập kỷ tiến hành công cuộc Đổi Mới.

Với ba thập kỷ, người Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được sự phát triển thần kỳ trong thế kỷ XX, trở thành quốc gia có thu nhập cao. Mùa xuân năm 2020 là thời điểm để Việt Nam bắt đầu giai đoạn bỏ lại phía sau những hụt hẫng đã qua để tái lập một thần kỳ mới, thần kỳ trong thế kỷ XXI với sự hiện diện của 4.0 tại Đông Á.

"Việt Nam thịnh vượng" với niềm tin được mở đầu bằng sự kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là dịp Đảng cùng toàn dân tổng kết 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, khép lại một chặng đường "dò đá qua sông" đầy sóng gió. Những gì dò được, tuy chậm nhưng đã quá tường minh. Những vàng thau lẫn lộn đã được phân định.

Động lực phát triển nền kinh tế đã được khẳng định dứt khoát, không còn do dự. Cán bộ cấp chiến lược đã qua nhiều bộ sàng lọc, không để lọt vào Đại hội những trường hợp quan chức bị xử lí như các vụ đại án trong mấy năm gần đây.

Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, không chỉ cho nhiệm kỳ 5 năm mà còn trù tính cho tới năm 100 tuổi Đảng (2030), 100 tuổi nước (2045). Đây là nhịp thời gian vừa cần vừa đủ để Việt Nam đạt tới thịnh vượng trong thế giới hiện đại.

"Việt Nam thịnh vượng" được dẫn dắt bởi những hoạt động khẩn trương ở tầm khu vực và toàn cầu của Việt Nam ngay từ đầu năm 2020. Đó là thực hiện vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, và thực hiện vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với sự tín nhiệm cao hiếm thấy, gần như tuyệt đối của các thành viên thuộc tổ chức này.

Trong một thế giới đầy biến động khó lường, Việt Nam có đủ bản lĩnh để đưa ra những lá phiếu trong quyết định tập thể của các tổ chức trên theo hướng có lợi cho hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực và toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

"Việt Nam thịnh vượng" được ghi dấu ấn bởi những động lực phát triển đã được xác định rõ ràng, dứt khoát, không còn chút lăn tăn. Ở đó, sức mạnh của nhà nước là kiến tạo sự phát triển chứ không phải là trực tiếp kinh doanh, sở hữu doanh nghiệp; ngân sách nhà nước được sử dụng chủ yếu vào các mục tiêu an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, dịch vụ công, và chỉ đầu tư vào những chương trình do khu vực ngoài nhà nước chưa sẵn sàng đảm nhận.

Ở đó, chủ trương "không để ai bị bỏ lại phía sau" không chỉ áp dụng cho những người yếu thế trong giảm nghèo, mà cho cả những người yếu thế trong làm giầu chân chính, nhất là những người khởi nghiệp với số thất bại đang chiếm tới 90%.

"Việt Nam thịnh vượng" được đồng hành với sự hoàn thiện ngày càng cao của Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Những gì là lỗi không vì dân, không của dân, không do dân của Nhà nước đã bộc lộ hết trong ba thập kỷ qua.

Nhiều lỗi trong số đó đã được sửa, nhất là trong năm 2019 như kiện toàn lại bộ máy, sắp xếp lại nhân sự, xử lý nghiêm các phần tử tham nhũng, thoái hóa, biến chất.

Nhiều việc đã được trù tính và bắt đầu làm ngay từ năm 2020 như thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, trong đó có việc không tiếp tục duy trì Hội đồng nhân dân phường; tiến hành sáp nhập các xã, các huyện không hội đủ tiêu chuẩn về diện tích và dân số trong 11 tỉnh và thành phố. Nhiều việc lớn hơn sẽ được triển khai sau khi có chủ trương của Trung ương.

Sự hoàn thiện của Nhà nước pháp quyền được đồng hành liên tục, không có điểm dừng và ngay từ đầu với hành trình đi đến thịnh vượng là đảm bảo vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu của "Việt Nam thịnh vượng".

"Việt Nam thịnh vượng" cũng đặt ra những yêu cầu về tính hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của hệ thống Nhà nước.

Mười năm trước đây, tại 10 tỉnh và thành phố đã tiến hành thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân xã, và huyện, năm 2020 Hà nội thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường. Đây đều là những tổ chức quyền lực nhà nước tại địa phương có chỉ dấu về hiệu quả hoạt động chưa đạt được như mong đợi, phải thí điểm để tổ chức lại.

Những việc đó có giá trị gợi mở đối với việc thí điểm để tổ chức lại các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, ngôi nhà chung của đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nếu “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” là bài học bất biến so với các bài học khác của cách mạng Việt Nam thì “Việt Nam thịnh vượng” đến sớm hay muộn trong thời gian tới sẽ tùy thuộc rất nhiều vào việc thực hiện đổi mới hệ thống tương xứng với đổi mới tổng thể của Việt Nam.

TS Đinh Đức Sinh