- 'Để Triều Tiên thực hiện lời hứa của mình, Mỹ cũng phải thực hiện lời hứa đối với Triều Tiên. Có đi thì phải có lại, chứ không thể đòi hỏi một phía thực hiện trong khi bên kia lại không làm gì', ông Dương Chính Thức, cựu Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên và Hàn Quốc bày tỏ.
Sáng 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có cuộc hội đàm lịch sử và kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh này mang tới kỳ vọng sẽ mang lại hòa bình, ổn định, thịnh vượng cho hai nước nói riêng, bán đảo Triều Tiên và thế giới nói chung.
Chương trình Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Dương Chính Thức, cựu Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên và Hàn Quốc xung quanh vấn đề này.
XEM VIDEO CHƯƠNG TRÌNH TALKSHOW TẠI ĐÂY:
Lời hứa từ thượng đỉnh Mỹ - Triều: Cứ phải chờ xem
Tái khẳng định của Triều Tiên về phi hạt nhân hóa hoàn toàn ở hội đàm với Mỹ là tín hiệu lạc quan cho cả thế giới, nhưng có trở thành hiện thực không, còn phải chờ xem, cựu đại sứ Dương Chính Thức nói.
DƯỚI ĐÂY LÀ BẢN TEXT CHƯƠNG TRÌNH:
Nhà báo Phạm Huyền: Ông đánh giá như thế nào về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh sáng 12/6 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un?
Ông Dương Chính Thức: Mọi người kỳ vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ mang lại hòa bình, ổn định trên bản đảo Triều Tiên. Tôi nghĩ rằng, kết quả sáng 12/6 đã phần nào đáp ứng được kỳ vọng đó.
Hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như ở khu vực Đông Bắc Á có nhiều triển vọng sẽ trở thành hiện thực.
Nhà báo Phạm Huyền: Tuyên bố chung của hội đàm này tái khẳng định tuyên bố Panmunjom ngày 27/4 về phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Vậy ông đánh giá thế nào về cam kết của nhà lãnh đạo Triều Tiên?
Ông Dương Chính Thức: Tôi nghĩ rằng nội dung mà Triều Tiên hứa sẽ từ bỏ hoàn toàn, ngừng hoàn toàn và phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên cũng chính là yêu cầu Mỹ nêu ra trước khi đến bàn đàm phán. Đây là yêu cầu chính của Mỹ với Triều Tiên.
Triều Tiên phải hứa được với Mỹ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đổi lại Mỹ cũng phải hứa với Triều Tiên một điểm gì đó để đáp ứng yêu cầu phía Triều Tiên. Tức là phải mang lại sự ổn định, hòa bình cho Triều Tiên, đồng thời dỡ bỏ những bao vây cấm vận của Mỹ cũng như của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.
Tôi nghĩ rằng, đó là vấn đề lớn, chỉ nói chung chung một câu là phi hạt nhân hóa hoàn toàn chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng để thực hiện được thì còn cần rất nhiều điểm, rất nhiều nội dung cụ thể nữa mà trong tuyên bố chung hôm nay không nêu ra.
Trước khi đến đàm phán, ông Trump cũng như phía Mỹ có nói rằng, phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên phải đảm bảo 3 nội dung: Phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không đảo ngược.
Tuy nhiên, tuyên bố chung ngày 12/6 mới chỉ nói đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn, trong khi việc có kiểm chứng và không đảo ngược thì không nhắc tới. Không biết sau này vấn đề đó sẽ được giải quyết ra sao, phải chờ đã.
Nhà báo Phạm Huyền: Vậy vai trò của Mỹ trong việc giải giáp hạt nhân của Triều Tiên sẽ như thế nào thưa ông?
Ông Dương Chính Thức, cựu Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên và Hàn Quốc. |
Ông Dương Chính Thức: Có kiểm chứng cũng là đòi hỏi của Mỹ, bởi để khẳng định Triều Tiên có làm đúng điều đó hay không thì phải có kiểm chứng. Muốn kiểm chứng được, Mỹ sẽ phải tham gia cùng với các nhà chuyên môn của Liên Hợp Quốc cùng các nguyên thủ quốc tế.
Để Triều Tiên thực hiện lời hứa của mình, Mỹ cũng phải thực hiện lời hứa đối với Triều Tiên. Có đi thì phải có lại, chứ không thể đòi hỏi một phía thực hiện trong khi bên kia lại không làm gì. Hai bên phải thể hiện như thế nào để xây dựng niềm tin với nhau.
Nhà báo Phạm Huyền: Vậy với lời cam kết của nhà lãnh đạo Triều Tiên tại cuộc hội đàm lịch sử 12/6 về việc sẽ phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, liệu thế giới có thể thở phào nhẹ nhõm hay chưa?
Ông Dương Chính Thức: Đúng như thế, nếu Triều Tiên tuyên bố và thực hiện đúng lời hứa phi hạt nhân thì sẽ giải quyết được mối lo cho nhân dân Đông Bắc Á nói riêng, Châu Á và thế giới nói chung.
Tuy nhiên, không ai dám khẳng định mọi việc sẽ suôn sẻ từ đầu đến cuối. Việc phi hạt nhân hóa mới chỉ nói chung chung thế thôi, còn cụ thể như thế nào thì chưa, hoặc không đề cập tới. Vấn đề kiểm chứng ra làm sao, không thể đảo ngược thế nào cũng chưa được nói tới.
Trước đây từng có tiền lệ hứa rồi không thực hiện, vậy thì liệu lần này có thật là hứa sẽ thực hiện hay không, có trung thành với lời hứa đến cùng? Thực sự mọi người đều có quyền đặt câu hỏi như vậy, vì nó từng xảy ra trong quá khứ rồi. Tuy nhiên, với không khí của cuộc hội đàm 12/6, nhìn hình ảnh hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên gặp nhau, bắt tay và trao đổi với nhau, cũng như những nội dung được nêu ra trong tuyên bố chung, tôi thấy có nhiều lạc quan hơn so với lần trước.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, giới quan sát cho rằng cả ông Donald Trump và ông Kim Jong Un đều là những nhà lãnh đạo khó đoán. Ông có tin rằng những kết quả lạc quan sáng 12/6 là dấu chấm hết cho những tranh cãi gay gắt lâu nay giữa hai nước hay không?
Ông Dương Chính Thức: Nói cuộc gặp này đánh dấu chấm hết cho những căng thẳng hai bên thì hơi khó, theo tôi là vậy. Mở đầu có kết quả như thế này là mang lại niềm tin cho mọi người, không riêng gì nhân dân Mỹ hay Triều Tiên mà cả nhân dân các nước khác. Tuy nhiên, kỳ vọng thế thôi, chứ một cuộc họp có thể chấm hết những căng thẳng và nghị kỵ, mâu thuẫn trước đây là khó.
Nhà báo Phạm Huyền: Trong cuộc gặp ngày 12/6, ông Kim có nói rằng “chúng ta đang ở thời điểm khác”, và giới phân tích cho rằng đây là một thông điệp thể hiện sự thay đổi Triều Tiên trong tương lai. Cá nhân ông có đánh giá như thế nào về điều này?
Nhà báo Phạm Huyền và ông Dương Chính Thức, cựu Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên và Hàn Quốc. |
Ông Dương Chính Thức: Hàm ý câu nói này thì có thể mỗi người suy nghĩ một cách là Triều Tiên bây giờ khác trước. Cá nhân tôi nghĩ rằng, trong giai đoạn trước kia, đường lối chính sách của Triều Tiên là ưu tiên phát triển quân sự, phát triển vũ khí hạt nhân, lấy đó làm vũ khí để tự vệ và để răn đe.
Bây giờ có thể Triều Tiên không hoàn toàn dựa vào chính sách như trước nữa mà thay đổi đường lối đó. Cụ thể, tôi thấy các kỳ đại hội trước của Triều Tiên luôn luôn nói nước này cần ưu tiên phát triển quân sự, nhưng lần đại hội gần đây lại ưu tiên phát triển kinh tế song song với phát triển quốc phòng. Như thế là đã có sự thay đổi. Đây là sự thay đổi để mọi người lạc quan với Triều Tiên, trong khi trước đây cả Mỹ và thế giới đều lo ngại cho tình hình của khu vực này vì vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Nhà báo Phạm Huyền: Sau cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều và bây giờ là Mỹ-Triều, chắc nhiều người đã nghĩ tới khả năng hai miền thống nhất. Ông nghĩ như nào về khả năng này?
Ông Dương Chính Thức: Nguyên vọng thống nhất hai miền Triều Tiên đã có từ lâu đối với nhân dân của cả hai miền. Từ sau chiến tranh 1950-1953 cho đến đầu những năm 1960, 1970, hai bên cũng đã đều nhiều lần nhắc tới việc thống nhất bán đảo Triều Tiên. Bởi vì, đất nước Triều Tiên trước chiến tranh là một, nhưng do hậu quả chiến tranh nên chia làm đôi.
Tôi nghĩ hai cuộc gặp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để từng bước đi đến thực hiện nguyện vọng đó. Nhưng việc thống nhất được, tôi nghĩ đó là một câu chuyện còn dài.
Nhà báo Phạm Huyền: Vậy ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của cuộc gặp ngày 27/4 và 12/6 đối với khu vực Đông Bắc Á, Việt Nam và thế giới?
Ông Dương Chính Thức: Tôi nghĩ, ảnh hưởng rõ nhất của hai cuộc gặp thưởng đỉnh này đối với Đông Bắc Á là nó tạo ra môi trường mới cho khu vực, từ căng thẳng, xung đột dần dần từng bước mang lại một không khí hòa bình và hợp tác.
Như vậy các nước khu vực Đông Bắc Á sẽ từng bước hợp tác với nhau. Trước hết, các nước phải có nghĩa vụ giúp đỡ Triều Tiên phát triển kinh tế. Các nước sẽ vào Triều Tiên để đầu tư hợp tác giúp Triều Tiên phát triển kinh tế.
Thứ 2, khi việc bao vây, cấm vận của quốc tế với Triều Tiên được xóa bỏ, thì Triều Tiên sẽ mở rộng quan hệ với các nước, trước hết là Đông Bắc Á, sau đến các nước Châu Á và trên thế giới. Sự bao vây, cấm vận Triều Tiên được dỡ bỏ, thì mối quan hệ giữa Triều Tiên với các nước sẽ phát triển.
Việt Nam và Triều Tiên có quan hệ hữu nghị truyền thống từ lâu. Đó là mối quan hệ ngoại giao từ năm 1950 cho đến bây giờ đã gần 70 năm. Hai nước đã từng kề vai sát cánh với nhau trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc, giúp nhau trong xây dựng kinh tế hòa bình. Dù cũng có lúc không được suôn sẻ, nhưng nhìn chung đây là mối quan hệ giữa hai nước bạn bè truyền thống.
Nếu Triều Tiên được dỡ bỏ lệnh bao vây, cấm vận, thì điều kiện để Việt Nam và Triều Tiên trao đổi giao lưu, hợp tác về kinh tế và các lĩnh vực khác sẽ thuận lợi hơn. Đây là điều kiện rất tốt để cho hai nước phát triển quan hệ.
VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền - Hạnh Thúy - Đắc Vịnh
Video: Xuân Quý, Đức Yên, Bạt Tuấn
Đồ họa: Trung Hiếu
Email: gocnhinthang@vietnamnet.vn
Việt Nam đánh giá cao kết quả hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Triều
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời câu hỏi của phóng viên về kết quả hội đàm thượng đỉnh Triều Tiên - Hoa Kỳ.
Thế giới nói gì về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều?
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhận định, cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể mở đầu cho tiến trình giải trừ hạt nhân trên toàn cầu.
Hé lộ hậu trường ít biết về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều
Lãnh đạo Mỹ - Triều sẽ ăn gì, vì sao Triều Tiên phải mang toilet riêng cho ông Kim Jong Un, ai thanh toán chi phí cho đoàn Triều Tiên...là những chi tiết thú vị mới được tiết lộ.
Ông Trump đáp trả 'những người ghen tức' thượng đỉnh Mỹ-Triều
Trước khi gặp Chủ tịch Kim Jong Un, Tổng thống Trump đã lên Twitter đáp trả "những người thù ghen và thất bại" đối với hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
An ninh thắt chặt tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều
An ninh tại Singapore đã được thắt chặt để đảm bảo an toàn cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
'Hi vọng Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ tuyên bố kết thúc chiến tranh'
VietNamNet trò chuyện với Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyon về hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều diễn ra sáng nay.