Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair vận comple màu ghi sáng trông rất tiệp với màu cà vạt xanh nhạt lá cây, xuất hiện giản dị chiều 3/3 tại sân Bộ GTVT. Sau cái bắt tay chào đón của Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông và đoàn công tác nhanh chóng vào bàn làm việc.

Khi nguyên thủ siêu cường hoàn dân

Dường như cựu Thủ tướng Anh vẫn vậy, như bao lần xuất hiện trên bản tin của các hãng truyền thông lớn thế giới BBC, CNN... Hoạt bát, trẻ trung, cộng với nụ cười của tài tử xi-nê. Khó có thể hình dung, một ngày nào đó, vị chính khách nổi tiếng khắp toàn cầu lại có mặt tại một căn phòng nhỏ của Bộ GTVT. Viên vệ sỹ duy nhất cao lêu đêu, dắt tai nghe, mắt lia tứ phía, đi kèm.

Nếu phải lúc còn tại vị, chắc chắn sự có mặt của ông Tony Blair ở bất cứ đâu, ở nơi đó sẽ phải có rà soát, chuẩn bị an ninh kỹ hàng tháng trời.

Tuy nhiên, lần này, ông Tony Blair giản dị và khoan thai bắt tay hết lượt những quan chức Bộ GTVT. “Lần này sang Việt Nam, ngoài đại diện Văn phòng Tony Blair tại khu vực châu Á, còn có cả phái đoàn đến từ Anh”, ông cho biết. Đáp từ, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Chúng tôi đánh giá cao việc Văn phòng Tony Blair hỗ trợ tư vấn cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam. Trong đó, có việc tư vấn cách thức cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước...

Chúng tôi muốn nhờ Văn phòng Tony Blair hỗ trợ trong việc tái cơ cấu Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Tổng Cty cảng Hàng không Việt Nam, Vinalines... Chúng tôi muốn được giúp chuẩn hóa tài liệu, giá chuyển nhượng khai thác và điều kiện thương thảo”. 

{keywords}

Cựu Thủ tướng Anh và Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Không phải ngẫu nhiên, trong cuộc gặp ngắn ngủi này tại Bộ GTVT, xuất hiện 3 ông tổng giám đốc của Vietnam Airlines, Tổng Cty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam và Tổng Cty cảng Hàng không Việt Nam. Ba doanh nghiệp này đang trong tiến trình cổ phần hóa hoặc muốn chuyển nhượng quyền khai thác công trình do họ quản lý để lấy tiền làm thêm công trình mới.

Câu chuyện nhượng quyền khai thác các sân bay (cũ có nhà ga Nội Bài T1, mới có Phú Quốc), những tuyến đường cao tốc mới hiện đại đang gây xôn xao dư luận.

Ông Tony Blair có lối diễn đạt thân thiện, cách vờn bàn tay vừa điệu nghệ, nhưng không kém phần sinh động và sang trọng của một chính khách lớn. Có lẽ, với gương mặt điện ảnh, cộng với phong cách trên mà cựu chính khách này được đồn rằng, rời chính trường thậm chí có thu nhập từ diễn thuyết tốt hơn lúc đương chức.

“Nếu các vấn đề cứ chỉ trao đi đổi lại mãi thì chẳng khác nào những người ngồi trên giảng đường. Các nhà đầu tư không thích thế đâu”.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair

Còn nhớ, khi vừa nghỉ hưu (năm 2007), nhóm bộ tứ về Trung Đông (Mỹ, Nga, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu) đã nhanh chóng chọn ông Tony Blair làm đặc phái viên trung gian hòa giải giữa Palestine và Israel - một công việc vô cùng phức tạp. Song song đó, ông thực hiện những buổi diễn thuyết khắp nơi trên thế giới.

Chưa kể Văn phòng Tony Blair triển khai các hoạt động tư vấn xây dựng các định hướng hợp tác trong lĩnh vực tư vấn, cải cách doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… cho các nước Việt Nam, Colombia, Kazakhstan, Kuwait và Peru.

Các nhà đầu tư không thích trao đi đổi lại mãi

Trong buổi làm việc với Bộ GTVT, cựu Thủ tướng Anh nói một câu rất lạ: “Nếu các vấn đề cứ chỉ trao đi đổi lại mãi thì chẳng khác nào những người ngồi trên giảng đường. Các nhà đầu tư không thích thế đâu”.

Hẳn là ông muốn nói tới tính thực thi của chính sách, cần nhanh chóng triển khai công việc, chứ đừng nói suông mãi. “Chúng tôi biết, Việt Nam không những muốn thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, mà còn từ trong nước. Chúng tôi sẵn sàng bàn thảo xem các nhà đầu tư muốn đầu tư vào lĩnh vực nào, đường cao tốc hay sân bay...

Một khi có cơ chế hợp tác sẽ tạo thuận lợi cho việc chuyển nhượng quyền khai thác công trình hạ tầng giao thông. Với những nguồn vốn FDI, cần phải có hướng dẫn về dự án một cách cụ thể để các nhà đầu tư có thể thấy rõ. Bằng kinh nghiệm triển khai các dự án công tư (PPP) khi còn đương chức, trước hết, mọi việc phải cụ thể hóa”, ông Tony Blair nói.

Như “gãi” đúng chỗ “ngứa” của một người quyết liệt, Bộ trưởng Thăng nói: “Tôi đồng tình với ông rằng không thể nói chung chung mãi và chúng tôi đã chuẩn bị cụ thể từng dự án. Việt Nam đang được xếp hạng cơ sở hạ tầng giao thông đứng thứ 74 trên thế giới. Đây là một trong những cản trở cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy, Chính phủ chúng tôi yêu cầu phải đẩy nhanh sự phát triển của cơ sở hạ tầng làm nền tảng phát triển”.

Người đứng đầu Bộ GTVT lập tức giới thiệu nhóm công tác riêng sẽ làm việc trực tiếp với đại diện Văn phòng Tony Blair. Cựu Thủ tướng Anh đề xuất được chụp ảnh chung với nhóm công tác và bất ngờ nói với Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Xin tặng ông cuốn sách viết về tôi bằng tiếng Việt (Tony Blair- Hành trình chính trị của tôi).

Trên bìa phụ cuốn sách có lời đề tặng và chữ ký của cựu Thủ tướng Anh: “Bằng sự kính trọng và tình bạn, kính tặng Bộ trưởng Thăng”.

Hôm nay (4/3), ông Tony Blair sẽ có buổi làm việc với Bộ KH&ĐT.

(Theo Tiền Phong)