Theo các y bác sĩ, bệnh nhân đối mặt với cái chết thường có hai dạng chia sẻ. Bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ, Tiến sĩ Mina Chang (San Francisco, Mỹ), kể điều phổ biến nhất mà cô nghe được từ bệnh nhân là: “Tôi không hối tiếc”.

Tuy nhiên, y tá Julie McFadden cho biết những người cao tuổi thường bày tỏ sự tiếc nuối vì coi cuộc sống của họ là điều hiển nhiên, xa cách với gia đình hoặc làm việc quá nhiều. Cô cho biết mọi người thường gọi tên bố mẹ ngay cả khi họ đã qua đời từ lâu hoặc người yêu cũ đã nhiều năm không gặp.

Một số bệnh nhân chia sẻ sự tiếc nuối trước khi mất. Ảnh minh họa: Shutterstock

Bác sĩ Chang, Chủ tịch Hội đồng Y tế Chăm sóc cuối đời tại Học viện Y học Chăm sóc cuối đời và Giảm nhẹ Mỹ, cho biết: "Đôi khi họ sẽ nói: Tôi đã sẵn sàng hoặc Tôi không hối tiếc. Chúng tôi cũng hỗ trợ liên lạc giữa bệnh nhân và người thân. Chúng tôi có thể nghe những câu như: Cảm ơn, Cha/mẹ yêu con, Xin hãy tha thứ cho tôi hoặc Tạm biệt".

“Được ở bên và hỗ trợ bệnh nhân đến cuối đời là một khoảnh khắc rất đặc biệt. Họ mời bạn tham gia hành trình của họ ngay cả khi cuộc đời này kết thúc. Chúng ta có thể là một phần của khoảnh khắc khi  bệnh nhân cảm thấy sẵn sàng kết thúc chương cuối của cuộc đời”, nữ bác sĩ chia sẻ. 

Julie McFadden, ở Los Angeles, California (Mỹ), đã làm công việc y tá hơn 15 năm và tham gia lĩnh vực chăm sóc cuối đời hơn 7 năm. Cô bắt đầu chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình trên mạng xã hội và có hơn 1,2 triệu người theo dõi và 12,4 triệu lượt thích.

Chăm sóc cuối đời giúp đỡ những bệnh nhân mắc bệnh nan y giảm bớt nỗi đau, đáp ứng các nhu cầu về tình cảm và tinh thần của họ. 

Y tá McFadden tiết lộ điều phổ biến nhất mà mọi người nói ngay trước khi chết là "Cha/mẹ yêu con" và họ thường gọi tên bố hoặc mẹ của mình, những người thường đã qua đời.

'Nói chuyện hằng ngày với những người sắp chết có thể thấy vấn đề lớn nhất là không quan tâm tới sức khỏe. Chúng ta coi nhiều thứ là điều hiển nhiên như có thể nhìn thấy, ăn uống, đi lại. Rất nhiều người nói rằng họ không đánh giá cao những điều đó và họ ước mình đã không làm vậy”. 

Mọi người cũng nói rằng họ ước đã không làm việc suốt đời. Phụ nữ nói về việc ăn kiêng, hối tiếc vì đã lo lắng về cơ thể của họ trông như thế nào, hoặc không ăn cái này hay không ăn cái kia vì chế độ ăn kiêng.

Một điều phổ biến khác mà mọi người nói lúc cuối đời là “không thể hiện bản thân với gia đình hoặc những người thân yêu".

Y tá McFadden nói: 'Nếu ai đó từng cãi nhau, họ nói: Tại sao tôi không nói lời xin lỗi sớm hơn? Tại sao chúng ta không hàn gắn mọi thứ sớm hơn?". 

Khi phải đối mặt với cái chết của chính mình, một số người nghĩ về cái chết của cha mẹ. Họ nói: "Tôi chưa bao giờ hỏi cha mẹ, ký ức tuổi thơ yêu thích nhất của họ là gì?". 

Ngôn ngữ mà mọi người nói cũng có thể thay đổi vào phút cuối đời. “Ngôn ngữ đầu tiên của họ là tiếng Italy nhưng họ đã sống ở một nơi nào đó và nói tiếng Anh suốt 50 năm. Tuy nhiên, khi sắp chết, họ sẽ quay lại nói tiếng Italy", y tá McFadden kể. 

Bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ, Tiến sĩ Simran Malhotra nhận định, những gì bệnh nhân nói trong hơi thở cuối cùng tùy thuộc vào độ tuổi: “Những bệnh nhân lớn tuổi thường chia sẻ những điều như: Tôi đang bình yên hoặc Tôi đã có một cuộc sống tốt đẹp. Trong khi đó, các bệnh nhân trẻ tuổi dường như muốn nói: Tôi chưa sẵn sàng chết, tôi còn rất nhiều việc phải làm”.