Lời nói đọi máu

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an nói: “Các nội dung đăng tải có hàm ý một số cá nhân là đại diện của các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán sắp bị bắt, xử lý hình sự, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, làm thiệt hại về kinh tế, uy tín của tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư”.

Động thái này của các cơ quan bảo vệ pháp luật được thực hiện sau khi Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký công điện số 311/CĐ-TTg của Thủ tướng hồi giữa tuần gửi hàng loạt bộ ngành về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Công điện đó đặc biệt lưu ý phải xử lý nghiêm việc đưa tin thất thiệt, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường, gây mất an ninh, an toàn thị trường.

Có thể nói, một công điện của Thủ tướng với tinh thần trên là rất hiếm có và đúng thời điểm để giúp trấn an thị trường vốn.

Báo chí phản ánh, sau khi hai vụ án tại tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh bị khởi tố, một số trang Facebook cá nhân có lượng lớn người theo dõi đã đăng thông tin ám chỉ lãnh đạo một số công ty khác sắp bị khởi tố. Sau đó, thông tin này được đăng tải lại trên nhiều diễn đàn, trong đó có những diễn đàn của cộng đồng các nhà đầu tư chứng khoán.

Đầu tư chứng khoán thể hiện sự kỳ vọng, mà niềm tin mỏng manh
thì thị trường lãnh đủ

“Lời nói, đọi máu” là nhãn tiền. Ngày 12/4, thị trường chứng khoán tiếp tục chao đảo với 99 cổ phiếu nằm sàn, bốc hơi hơn 105.600 tỷ đồng. Cộng với 2 ngày trước đó, trong 3 phiên liên tiếp, vốn hoá HOSE đã bốc hơi 265.700 tỷ đồng, hay 11,5 tỷ USD.

Điều gì làm thị trường phản ứng tiêu cực như vậy trong bối cảnh kinh tế vi mô trong quý 1 vừa được báo cáo tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, GDP tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 và 2020?

Trả lời câu này có nhiều đáp án, nhưng có lẽ, câu trả lời xác đáng, truyền thống nhất liên quan đến niềm tin thị trường. Đầu tư chứng khoán thể hiện sự kỳ vọng, mà niềm tin mỏng manh đi thì thị trường lãnh đủ. Niềm tin được bồi bổ hay bị bóp nghẹt bởi không gì khác ngoài (thay đổi) chính sách, hay tin đồn thất thiệt.

Chủ trương đúng đắn

Phải khẳng định rằng, chủ trương cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp là rất đúng đắn và kịp thời để giúp doanh nghiệp đa dạng hóa kênh huy động vốn cho phát triển. Trong mấy thập kỷ nay, kênh huy động vốn tập trung chủ yếu vào chính sách tài khóa, hay nói đúng hơn, “bắt” các ngân hàng thương mại thực hiện nhiều biện pháp mâu thuẫn như chống lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

FiinGroup, một trong các công ty chuyên về phân tích tài chính nhận xét trong báo cáo tháng 4: “Bỏ qua những vấn đề mà cơ quan quản lý đã phát hiện và đang xử lý thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã chứng minh vai trò quan trọng là một kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho sự phát triển của doanh nghiệp ở nhiều ngành khác nhau trong bối cảnh Covid-19 và hồi phục trong thời gian gần đây”.

Chủ trương cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp là đúng đắn và kịp thời 

Một khảo sát của công ty này cuối năm 2021 cho biết, trong tương quan với quy mô nền kinh tế, trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở quy mô tương đối nhỏ so với các nước trong khu vực mặc dù đã vượt qua Phillipines (7,4%) và Indonesia (2,7%), nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với Thái Lan (24,3%), Singapore (38,4%) hay Malaysia (55,4%).

Sau mấy năm ngủ đông dưới tác động của các biện pháp chống dịch, nhiều doanh nghiệp thực sự cần “tiền tươi, thóc thật” để duy trì thanh khoản. Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup đánh giá rất lớn đối với vai trò của kênh trái phiếu: “Nếu không có kênh trái phiếu, tôi tin rằng một số doanh nghiệp lớn đã sụp đổ rồi, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 làm đứt dòng tiền”.

Quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là khá lớn, tương ứng 16% GDP, theo Bộ Tài chính, hay 723 ngàn tỷ đồng, theo công ty SSI trong năm 2021. Tổng cộng, thị trường này ước tính khoảng 1,4 triệu tỷ đồng, thậm chí còn lớn hơn.

Tuyệt đối tránh tình trạng ‘hạ cánh cứng’

TS Trần Đình Thiên nói thêm, việc bắt giam một số doanh nhân phạm luật là những hành động (của Chính phủ) thúc đẩy quá trình làm sạch môi trường kinh doanh, đảm bảo các yếu tố công khai, minh bạch để củng cố niềm tin thị trường.

Không thể làm chính sách theo kiểu ‘nhỡ mà’Kinh tế quý 1 đã thể hiện những tín hiệu tích cực sau khi cách chống dịch thay đổi cùng với độ phủ vắc xin. TS Trần Đình Thiên trao đổi với TVN về những thuận lợi và khó khăn tới đây.Xem ngay

Đã có nhiều kinh nghiệm xử lý tin đồn và giảm nhẹ phản ứng tiêu cực thái quá để trấn an thị trường trong những lần khủng hoảng trước đây. Với thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, các biện pháp và thông điệp đưa ra cần thận trọng và minh bạch để thị trường hạ cánh mềm, tránh rút vốn, gây đổ vỡ hê thống. Các doanh nghiệp, doanh nhân cần được bảo vệ, tôn trọng thay vì bêu riếu họ khắp nơi, làm tin đồn trở nên ngạo nghễ.

Riêng vụ Tân Hoàng Minh, các cơ quan chức năng cần giám sát cam kết “trả lại” của doanh nghiệp để tránh thị trường hoảng loạn. Doanh nghiệp này cần được tạo điều kiện về thủ tục để bán đi một số tài sản trong thời gian sớm nhất, lấy tiền trả cho nhà đầu tư. Bản thân các nhà đầu tư tư nhân cần hiểu khi đã mua trái phiếu là chấp nhận rủi ro.

Thị trường tài chính là khá nhạy cảm và dễ tổn thương. Và nếu các thị trường bị hạ cánh cứng bởi những chính sách thay đổi đột ngột, hay các tin đồn không kiểm chứng của những facebooker như Đặng Như Quỳnh, thì nền kinh tế lại đối diện nguy cơ những tháng năm mất mát đang chờ đợi ở phía trước. Những thành tựu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong những tháng năm qua phải được bảo vệ vì có ổn định mới có phát triển.

Tư Giang