Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kết luận được ban hành căn cứ trên kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa 12 (viết tắt là Kết luận 10).

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp thứ 21 của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tháng 1/2022. Ảnh: TTXVN

Không có ngoại lệ

Kết luận 10 được ban hành trong bối cảnh một số vụ án tham nhũng với những cái tên cụ thể đã được Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng điểm danh. Đại án Hà Văn Thắm thao túng ngân hàng OceanBank, kéo theo một loạt lãnh đạo tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vướng vào lao lý vì tham nhũng.

Đặc biệt, với việc khởi tố Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo đã chính thức nã đạn vào những lô cốt tưởng chừng không thể phá vỡ.

Bởi xã hội cũng lờ mờ hiểu rằng đã có những thế lực ngầm, đã có những cái bắt tay cấu kết giữa quyền lực và tiền bạc, một tay che cả bầu trời, lợi dụng chủ trương luân chuyển, trẻ hóa cán bộ của Đảng để đưa người thân, phe nhóm, cánh hẩu của mình vào bộ máy lãnh đạo, hòng hậu thuẫn cho kế hoạch thâu tóm quyền lực, lợi ích, lũng đoạn công tác cán bộ của Đảng. 

Việc ban hành Kết luận số 10 tháng 12/2016 của Bộ Chính trị khóa 12 với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong suốt 5 năm qua. Từ vụ án Trịnh Xuân Thanh, những cú bắt tay quyền lực trong bóng tối đã dần dần được bóc tách với những sai phạm tiền tỉ, tiền tấn được phơi bày. Nhiều lãnh đạo cấp cao thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị quản lý lần lượt bị kỷ luật, bị khởi tố hình sự như Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng... Điều này cho thấy tinh thần đấu tranh của Đảng đối  với tệ nạn tham nhũng là không có vùng cấm, không có ngoại lệ.   

Những cái tên bị gọi và thái độ không khoan nhượng với cái xấuNhững cái tên bị gọi và thái độ không khoan nhượng với cái xấuXem ngay

Đã tham nhũng thì chỉ tham nhũng của công. Mà của công là của dân của nước. Dù là ai, cũng phải trả giá. Không có chuyện “hoàng hôn nhiệm kỳ”; không phải hễ cứ có chức có quyền là được làm “chuyến tàu vét”, rồi “hạ cánh an toàn”.

87.210 đảng viên và 1.329 tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ 12, trong đó hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật. Đó là những con số rất đau lòng, nhưng cũng là điều mà hàng triệu cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đã ghi nhận và đánh giá cao đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Văn hóa không tham nhũng

Tuy nhiên, với Kết luận 12 lần này, Bộ Chính trị cũng thừa nhận “một số nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Kết luận 10 thực hiện vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao”.

Bởi dù đã qua một nhiệm kỳ đấu tranh quyết liệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn chưa giảm. Ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ 13, đã có 32 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật. Trong số đó có 26 cán bộ liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo trung ương theo dõi, chỉ đạo. Trong khi đó, vụ Việt Á và nhiều vụ án lớn khác vẫn chưa kết thúc điều tra, e rằng, danh sách những cán bộ tiêu cực ở các bộ, ngành, địa phương liên quan vẫn chưa khép lại.

Dẫu biết rằng đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để làm trong sạch nội bộ là chuyện thường xuyên, lâu dài, nhưng cứ mỗi tháng một lần, nghe thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương với nhiều cái tên cán bộ bị kỷ luật, bị khai trừ ra khỏi Đảng, chúng ta không khỏi xót xa trước tình trạng tha hóa, biến chất của “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”. Đất đai, tiền bạc vẫn là những viên đạn bọc đường hạ gục nhiều cán bộ lãnh đạo. 

Nhìn những quan chức đầu tỉnh “nói có người nghe, đe có người sợ” ngày nào, giờ phải đứng trước vành móng ngựa, nói lời ăn năn, hối lỗi, xin giảm nhẹ hình phạt… mà đau lòng. Nhìn những thiếu tướng, trung tướng, những người hùng trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm oai phong lẫm liệt một thời, giờ lại phải ngã quỵ ngay dưới chân mình vì bị vật chất cám dỗ, chúng ta ai cũng thấy tiếc!

Ngẫm lại, một khi văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa trở thành lối sống, cách làm người ở một bộ phận cán bộ có chức có quyền; Một khi cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập thì tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn chưa thể ngăn chặn; Nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng, có tổ chức, rất tinh vi, phức tạp vẫn còn xảy ra, gây bức xúc dư luận.

Vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận 10; gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực; nêu  cao tinh thần trách nhiệm; cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong việc chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Biết trọng liêm sỉ, danh dự để không sa ngã trước những cám dỗ tầm thường.

Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; Có cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, thuộc diện Ban chỉ đạo trung ương theo dõi, chỉ đạo; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan phòng chống tham nhũng. 

Đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, liên tục, không vùng cấm, không ngoại lệ. Trong cuộc chiến đầy cam go ấy, việc đề cao bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức, lối sống, “văn hóa không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” là một yêu cầu tự thân, để chúng ta có cán bộ kiên trung; bộ máy chiến đấu  đủ mạnh, đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng lãng phí, tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Vân Thiêng