Những năm gần đây, để giữ vững và nâng chất tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Tân Bình (huyện Tân Thạnh) đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường (BVMT), nhất là thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, xã vận động kinh phí bố trí các thùng chứa rác thải nguy hại tại các điểm ngoài ruộng để người dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ gom lại, không để phát sinh ngoài ruộng đồng. Đồng thời, phát động các đợt ra quân thu gom bao bì trên các tuyến đường nội đồng, kênh, rạch để bỏ vào các hố thu gom. Định kỳ hàng tháng, UBND xã thông báo cho Chi cục Bảo vệ thực vật của huyện đến thu gom, xử lý theo quy trình xử lý rác thải nguy hại.
Tại xã Bình Thạnh (huyện Thủ Thừa), các đoàn thể xã thường xuyên phối hợp các ấp thực hiện mô hình: 5 không, 3 sạch; Ngày Chủ nhật xanh và Thứ bảy tình nguyện, thu hút đông đảo người dân tham gia thu gom rác, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm và khơi thông cống rãnh.
Đồng thời, người dân còn tích cực trồng cây xanh, hoa dọc các tuyến đường trục ấp, chỉnh trang tường rào, sân vườn, phân loại rác thải tại nguồn,… Qua đó, các tuyến đường trên địa bàn xã được xanh, sạch và đẹp; tạo môi trường sống trong lành, thân thiện.
Phát huy các mô hình hiệu quả
Trong xây dựng nông NTM, tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm luôn được đánh giá là tiêu chí khó. Tuy nhiên, thông qua công tác tuyên truyền, sự chỉ đạo quyết liệt từ các địa phương, đến nay, công tác BVMT nông thôn tỉnh Long An đã có những khởi sắc. Người dân ý thức hơn trong BVMT, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Trong đó, hoạt động thu gom, xử lý rác thải tại nông thôn được các địa phương tập trung thực hiện, từng bước giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, đối với rác thải nguy hại từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, hiện đa số các địa phương có giải pháp như xây dựng các hố thu gom tập trung, đặt các thùng nhựa di dộng tại các khu vực đồng ruộng để tập kết vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, sau đó thu gom, vận chuyển về các nhà máy xử lý chất thải nguy hại để xử lý theo đúng quy định.
Trong sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp tập trung hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp sản xuất nông nghiệp an toàn qua các mô hình như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”, không sử dụng chất cấm, hóa chất kích thích tăng trưởng,...
Đặc biệt, ngành Nông nghiệp cũng triển khai đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại các địa phương nhằm nâng cao ý thức của người dân trong BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng NTM và phát triển nông nghiệp bền vững.
Ngoài triển khai các quy định của Luật BVMT, những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thường xuyên phối hợp với các địa phương triển khai, thực hiện hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn; phối hợp các địa phương, đoàn thể xây dựng các mô hình BVMT hiệu quả. Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong BVMT, cải thiện môi trường sống, cảnh quan môi trường, nhất là BVMT trong xây dựng NTM.
Năm 2024, bên cạnh các mô hình đang triển khai hiệu quả, Sở phối hợp Hội Nông dân tỉnh xây dựng thêm 2 mô hình điểm tại xã Lợi Bình Nhơn (TP Tân An) và thị trấn Tân Trụ (huyện Tân Trụ). Trong đó, chú trọng công tác truyền thông, tập huấn kỹ thuật phân loại, xử lý chất thải hữu cơ, chất thải rắn nhằm nâng cao nhận thức về BVMT nông thôn.
Ngoài thông tin, tuyên truyền, tại các mô hình điểm, Sở phối hợp Hội Nông dân hỗ trợ trang bị 60 thùng ủ phân hữu cơ và men vi sinh để người dân sau khi tập huấn có thể tự phân loại, xử lý rác hữu cơ làm phân bón phục vụ sản xuất, giảm thiểu rác thải ra môi trường.
Trong công tác BVMT nông thôn Long An không thể không kể đến vai trò tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội.
Hiện nay, các cấp Hội Nông dân trong toàn tỉnh đang triển khai các mô hình mới như Tuyến đường xanh Dòng kênh sạch; Vườn xanh, ruộng sạch, sản xuất an toàn nhằm xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn. Thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu ở nông thôn cho cán bộ, hội viên và nông dân nhằm thay đổi các hành vi, tập quán lạc hậu ảnh hưởng xấu đến môi trường nông thôn, gây hiệu ứng nhà kính.
Đồng thời, phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của các cấp Hội trong công tác BVMT nông thôn, xây dựng NTM gắn với các phong trào và chương trình hành động của các cấp Hội trong tỉnh.
Đoàn Thanh niên có mô hình Ngày Chủ nhật xanh, Kỳ nghỉ hồng ra quân vệ sinh môi trường; Hội Liên hiệp Phụ nữ với các mô hình phân loại, xử lý rác sinh hoạt tại nguồn, Tuyến đường xanh - sạch - đẹp; Đổi rác thải lấy quà;... Đặc biệt hiện nay, hầu hết các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đều triển khai đăng ký tự quản các tuyến đường xanh - sạch - đẹp nhằm xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn.
Qua rà soát, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 128/161 xã, xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm thuộc Bộ tiêu chí xã NTM, chiếm 79,5%. Trong đó có 34/161 xã, chiếm 21,1% đạt tiêu chí môi trường; 56/161 xã, chiếm 34,8% đạt tiêu chí môi trường và tiêu chí chất lượng môi trường sống thuộc Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao. Toàn tỉnh có 5/13 huyện, chiếm 38,5% đạt tiêu chí môi trường và tiêu chí chất lượng môi trường sống thuộc Bộ tiêu chí huyện NTM.