Ngày 4-5/7/2023 tại Yogyakarta, Indonesia, Hội nghị về thúc đẩy việc thực hiện Khung Chiến lược ASEAN về Lồng ghép giới đã được tổ chức. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch công tác của Ủy ban Thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN (ACWC) do Indonesia chủ trì. Hội nghị nhằm mục tiêu: (i) cập nhật tiến độ thực hiện Khung Chiến lược; (ii) thảo luận và thống nhất về các hành động cụ thể để thúc đẩy việc thực hiện Khung Chiến lược của các cơ quan chuyên ngành ASEAN và các quốc gia thành viên ASEAN; (iii) chia sẻ điển hình tốt và bài học kinh nghiệm về lồng ghép giới và hòa nhập trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN; (iv) huy động nguồn lực từ các đối tác liên quan.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện Ủy ban Phụ nữ ASEAN, ACWC của các nước thành viên ASEAN, Chủ tịch của các cơ quan chuyên ngành thuộc 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, đại diện Chính phủ Hoa kỳ, Úc, Canada, Na Uy, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Vương quốc Anh và các cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế có liên quan.

Khung chiến lược về Lồng ghép giới ASEAN là sáng kiến trong khuôn khổ hợp tác giữa Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) và Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN (ACWC). Khung Chiến lược đã được các nhà Lãnh đạo ASEAN ghi nhận tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 vào năm 2021 và đưa vào Kế hoạch hành động của ACW và ACWC giai đoạn 2021 - 2025. Kể từ đó đến nay, các nước thành viên ASEAN đã nỗ lực triển khai Khung Chiến lược với nhiều hoạt động tại cấp quốc gia và khu vực.

W-anhminhhoa-5.png
Ảnh minh hoạ

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Lenny N Rosalin, Thứ trưởng Bộ Tăng cường quyền năng cho phụ nữ và Bảo vệ trẻ em Indonesia khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ đối với sự phát triển và gìn giữ hòa bình của mỗi quốc gia. Do đó, việc đảm bảo phụ nữ được tiếp cận bình đẳng với các cơ hội giáo dục, y tế, kinh tế và tham gia chính trị là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan. Bà hoan nghênh những nỗ lực của các nước thành viên ASEAN trong việc lồng ghép giới trong tất cả các lĩnh vực chuyên ngành, đặc biệt là việc thực hiện Khung Chiến lược về Lồng ghép giới trong cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN.

Tại Hội nghị, đại diện ACW đã trình bày về Kế hoạch thực hiện Khung Chiến lược ASEAN về Lồng ghép giới theo 02 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 tập trung vào việc thúc đẩy các cam kết và bắt đầu thay đổi cách thức hoạt động của ASEAN theo hướng có đáp ứng giới hơn, trong khi giai đoạn 2 từ năm 2025 - 2035 dự kiến sẽ bao gồm việc triển khai và phát triển Khung Chiến lược.

Từ năm 2021 đến nay, ACW đã thúc đẩy các hoạt động hướng dẫn các cơ quan chuyên ngành của ba trụ cột để hiện thực hóa việc lồng ghép giới một cách thực chất, cả trong các chính sách, chương trình và hoạt động. Trong giai đoạn 2023 - 2025, ACW sẽ triển khai Kế hoạch thực hiện tập trung vào các hoạt động về: (i) nâng cao nhận thức về Khung Chiến lược; (ii) hỗ trợ các khóa học và đào tạo về giới và hòa nhập, đặc biệt về thu thập và phân tích dữ liệu; (iii) chia sẻ các điển hình tốt; (iv) thiết lập các cơ chế mới để thực hiện Khung Chiến lược.

Tại Hội nghị, đại diện của một số cơ quan chuyên ngành thuộc ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN đã trình bày về điển hình tốt và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Khung Chiến lược, đồng thời, chia sẻ quan điểm về lồng ghép giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ trong công việc chuyên ngành của mình.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện của Việt Nam đã chia sẻ về Hướng dẫn “Lồng ghép giới trong các chính sách lao động và việc làm hướng tới việc làm bền vững” do Việt Nam chủ trì xây dựng trong Kế hoạch công tác Hội nghị quan chức lao động cấp cao ASEAN (SLOM) và ACW. Hướng dẫn đã góp phần nâng cao năng lực và nhận thức của các cán bộ nhà nước phụ trách lĩnh vực lao động và bình đẳng giới về các quyền cơ bản của con người và các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Đồng thời, Hướng dẫn là cơ sở quan trọng để các quốc gia thành viên ASEAN rà soát những tiến bộ về lồng ghép giới trong chính sách lao động và việc làm trong thời gian qua, từ đó, tìm ra những khoảng trống trong pháp luật và chính sách lao động và việc làm nhằm chỉnh sửa để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Nhìn chung, các cơ quan chuyên ngành đều nhấn mạnh tầm quan trọng của viêc nâng cao nhận thức và hiểu biết về giới, xây dựng các chương trình và chính sách về lồng ghép giới trong mọi lĩnh vực ở cấp quốc gia và khu vực, nâng cao năng lực về thu thập và phân tích dữ liệu phân tách theo giới, đồng thời, thiết lập các cơ chế giám sát và đánh giá việc thực hiện với các chỉ số có nhạy cảm giới.

Một trong những nội dung chính của Hội nghị là thảo luận về Dự thảo Khuyến nghị chính sách về lồng ghép giới trong ASEAN. Trên cơ sở các khuyến nghị đề xuất của các cơ quan chuyên ngành tại Hội nghị, Indonesia và Ban Thư ký ASEAN đã tổng hợp và xây dựng Dự thảo Khuyến nghị chính sách về lồng ghép giới cho từng cơ quan chuyên ngành thuộc ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN. Trong thời gian tới, Dự thảo sẽ được gửi cho các nước thành viên ASEAN để lấy ý kiến, hoàn thiện và trình Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 ghi nhận. 

Duy Khánh và nhóm PV, BTV