Chuyện bày tỏ lòng yêu nước, trách nhiệm với tổ quốc ‘nhầm chỗ’ của người lao động ở Bình Dương có phần trách nhiệm của những doanh nghiệp, những người sử dụng lao động và của cả xã hội.

“Giặc ở sau lưng nhà ngươi đó,” câu đó của Thần Kim Quy nói với An Dương Vương trong truyền thuyết, dường như chưa hề nằm im dưới lớp tro lịch sử. Với những rối ren ở Bình Dương đang xảy ra, ‘giặc’ đã không còn ở sau lưng, mà ở ngay bên cạnh chúng ta, trong những ngày lo lắng cho đất nước trước đe dọa từ Biển Đông và mỗi người đều trăn trở về những bước chân phải đi sắp tới.

Để yêu nước, phải học. Tôi vẫn tin như vậy, dù biết niềm tin đó có vẻ sách vở.

Tình yêu với một người, với quê hương thật đáng quý, nhưng nó chẳng có giá trị nếu ta không biết cách cho đi đúng chỗ, đúng lúc, thậm chí đúng liều lượng.

{keywords}
Biểu tình của công nhân ở Bình Dương vừa qua (ảnh GTVT)

Hành động của những công nhân ngày qua không những gây tai hại lớn, làm tổn thương môi trường kinh doanh, tổn thương niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào một dân tộc đầy tình cảm, hiền hậu, mà còn làm tổn thất nguồn lực của những doanh nghiệp, doanh nhân đang căng sức ra chống chọi với khó khăn khi thủy triều lạc quan của nền kinh tế đã rút xa bờ. Những tổn thương sâu sắc của những doanh nhân, những người chứng kiến tận mắt cảnh hỗn loạn đó sẽ còn dai dẳng, còn di hại lâu dài vào niềm tin kinh doanh.

Bạn tôi, công nhân một nhà máy sản xuất linh kiện xe hơi bên Đức, từng kể: những gì bạn học ở trường đại học trong nước gần như không là gì so với vài năm làm công nhân và sau này phụ trách một phân khúc nhỏ trong dây chuyền sản xuất của nhà máy ở Đức. Anh nói được dạy cách vệ sinh cá nhân ở nhà và trước khi vào nhà máy ra sao để gọn gàng, thoải mái nhất khi làm việc, giao tiếp với đồng sự thế nào, nói câu dài hay ngắn, để cả ngày làm việc không mệt mỏi mà không bị cảm giác tách biệt, xa cách với công ty và đồng nghiệp.

Công ty dạy nhân viên từ cách uống nước khi giải lao, cách ứng xử với đồng nghiệp và tạo quan hệ bền chặt, tin cậy với nhau; cách ăn trưa, tác phong thế nào, lựa chọn đồ ăn và trình tự nên ăn thế nào để vừa tiết kiệm thời gian vừa tốt cho cơ thể. Đặc biệt, là công ty luôn cập nhật cho người lao động trước hay sau giờ làm những vấn đề xã hội mới liên quan đến công việc và đời sống của họ, như thị trường có thay đổi gì đáng chú ý, đang có xu hướng gì trong xã hội, có bệnh dịch gì mình có thể liên quan, những trào lưu gì mình có thể bị lôi kéo khi bước ra khỏi cổng nhà máy… Phản ứng thế nào là tốt nhất, làm sao để thu xếp được cuộc sống đời thường và tâm trí để có sự ổn định trong sinh hoạt…

Các vấn đề chính trị đáng lưu ý cũng được cập nhật cho người lao động qua email, thùng thư cá nhân hay các buổi nói chuyện ngắn 5-15 phút trong nhà máy. Và vì thế, tuy đứng trong ‘hộp diêm’ làm việc cả ngày, nhưng bạn nói ít khi có cảm giác bên lề xã hội hay bị bỏ rơi. Bước ra ngoài, đi chơi cuối tuần, gặp gỡ bạn bè, anh tự tin vì có thể nói chuyện với họ về các vấn đề đang diễn ra, có quan điểm và chính kiến của mình. Có bằng đại học ở Việt Nam, có bằng cao đẳng nghề ở Đức nhưng anh không có cảm giác tự ti của giai cấp công nhân như anh cảm thấy ở xã hội Việt Nam. Anh và bạn bè luôn tự hào vì mình là kỹ sư, là giai cấp công nhân nhưng không hề kém cạnh trong sự hòa nhập với xã hội tri thức.

Một lần khác đi thăm nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử ở Hàn Quốc, một đất nước không khác biệt so với Việt Nam nhiều như Đức, nhưng chúng tôi còn choáng ngợp hơn. Một nhà máy có cả chục héc ta cây xanh, vài nghìn công nhân sinh hoạt vô cùng trật tự. Họ đi vào nhà ăn một đường, đi ra một đường, xếp hàng trật tự đợi lấy đồ ăn. Ăn xong tự dọn bàn ăn và cả trăm khay thức ăn được những người ăn xong xếp gọn gàng trên giá gần như không một mẩu đồ ăn thừa. Đồ ăn được nhà bếp bày đầy ắp hai dãy bàn nhưng không ai lấy thừa phần mình có thể ăn. Cả nghìn người ngồi ăn trong không khí trật tự, chỉ nói chuyện rì rầm rất bình yên, đúng nghĩa một không gian nghỉ ngơi trong môi trường làm việc. Đoàn Việt Nam nói với nhau, ồ, người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như vậy.

Suy nghĩ và lối sống, quan điểm sống và hệ giá trị từng cá nhân thực ra đã hình thành từ những điều có vẻ vụn vặt như vậy. Nhưng tôi luôn nghĩ nó có thể tạo các nếp gấp văn minh trong não một người văn minh. Và tổng hợp các nếp gấp có trật tự đó là giá trị xã hội, vốn xã hội. Đó là điều cả xã hội phải chăm lo gầy dựng.

Ước gì mọi công nhân trên đất nước mình đều có được sự tự tin khi mặc chiếc áo đồng phục của một nhà máy đi ra ngoài xã hội, biết khẳng định bản thân từ tác phong nhỏ nhặt và tự tin khi sinh hoạt và nắm hiểu các quy tắc trong cộng đồng...

Hành động hôm nay, chắc chắn được tích tụ từ những gì trước đó. Những công nhân thừa lòng nhiệt thành nhưng thiếu kênh thông tin cập nhật và sát sườn đã hành động như một đám đông không tỉnh táo. Công đoàn đã ở đâu, lãnh đạo doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã ở đâu?

Nhiều doanh nghiệp vẫn hô hào về các hoạt động từ thiện, nhưng những doanh nghiệp, người sử dụng lao động, những người tham gia điều hành các ngành nghề kinh doanh, liệu có thấy trách nhiệm phía sau sự tự ti và yếm thế của những công nhân Việt Nam? Chăm lo đời sống của công nhân đâu chỉ dừng lại ở đồng lương - dù đồng lương hiện nay vẫn ở mức duy trì sự sống - nó còn là chăm lo cho cuộc sống tinh thần của họ để họ đủ sức đương đầu với mọi biến động một cách tỉnh táo, không bị ai lôi kéo hay kích động.

(Theo TBKTSG)