Thành phố yêu cầu tất cả các trường học đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của ngành y tế và ngành giáo dục; triển khai thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát dịch Covid-19; không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.

Cũng theo thành phố, việc tổ chức học bán trú của học sinh trong giai đoạn hiện nay phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế và ngành GD-ĐT, trong đó cần lưu ý bảo đảm theo nguyên tắc: hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp; ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân; tăng cường vệ sinh, khử khuẩn theo quy định.

Về quy trình kiểm soát dịch trong trường học, thành phố quy định, khi phát hiện học sinh có triệu chứng lâm sàng nghi nhiễm Covid-19 tại cơ sở giáo dục, có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng sau đây: sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp; cơ sở giáo dục khẩn trương triển khai các bước:
 
Đánh giá tình trạng sức khỏe của học sinh bằng cách: Yêu cầu học sinh mang ngay khẩu trang y tế và dừng các hoạt động có tiếp xúc với người khác. Giáo viên, người chăm sóc thông báo ngay đến Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của cơ sở giáo dục. Nhân viên phụ trách y tế trường học đánh giá nhanh tình trạng sức khỏe của học sinh:
 
Nếu học sinh có 1 trong các triệu chứng nặng (sốt cao, tím tái môi, đầu chi; khó thở, thở nhanh; thở rên; SpO, < 97%; li bì, lờ đờ; co giật ...): Ban Chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của cơ sở giáo dục thông báo ngay Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện chuyên khoa nhi (nếu có) trên địa bàn để được hỗ trợ; thông báo cho phụ huynh/người giám hộ của trẻ.

{keywords}
Học sinh TP.HCM học trực tiếp (Ảnh: Thanh Tùng)

Nếu học sinh có triệu chứng nhẹ (sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi...): Chuyển học sinh đến phòng cách ly tạm thời và thực hiện ngay xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 (không di chuyển bằng thang máy hoặc nếu sử dụng thang máy phải khử khuẩn theo quy định):

Trường hợp kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính: nếu học sinh sốt hoặc có triệu chứng bất thường cần báo cho phụ huynh/người giám hộ đưa trẻ đi khám bệnh ngay; nếu trẻ không sốt, theo dõi sức khỏe và tiếp tục học tập trực tiếp tại trường.

Trường hợp kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính (F0): nhân viên phụ trách y tế trường học thông báo cho Ban Chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở giáo dục biết và thực hiện theo Mục 3 của hướng dẫn này.
 
Cách xử lý F0 tại trường học như sau:
 
Theo quy định của UBND TP.HCM, khi phát hiện F0 tại trường thì các trường thực hiện 4 bước sau:
 
Bước 1: Thông báo ngay cho Trạm y tế cấp xã Hiệu trưởng/Ban Chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Cocid-19 của cơ sở giáo dục thông báo ngay cho Trạm y tế phường, xã, thị trấn (cấp xã) hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 (gọi tắt là cơ sở y tế) để xử lý.
 
Bước 2: Xử lý trường hợp F0, trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế đánh giá tình trạng sức khỏe và điều kiện cách ly tại nhà của F0, nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà, tư vấn, hướng dẫn phụ huynh/người giám hộ đưa học sinh về nhà để được Trạm y tế địa phương tiếp cận xử lý theo quy định. Nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà, chuyển F0 cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.
 
Bước 3: Xác định, xử lý người tiếp xúc gần (F1)
 
Nhân viên phụ trách y tế trường học hoặc giáo viên của cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách và cung cấp thông tin dịch tễ cho Trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế để xác định các trường hợp F1.
 
Trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế phối hợp cơ sở giáo dục tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp (mẫu gộp không quá 3 người) cho toàn bộ F1, học sinh và giáo viên của lớp có F0, nếu mẫu gộp dương tính thì tiến hành giải gộp ngay bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
 
Nếu kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính: xử lý như trường hợp F0.  Nếu kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính thì thực hiện như sau:
 
Đối với trường hợp là F1 đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là F1: cách ly y tế 5 ngày tại nhà, xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) vào ngày thứ 5 do nhân viên y tế của cơ sở y tế thực hiện hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế của cơ sở y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa. Nếu kết quả xét nghiệm ngày 5 âm tính thì học sinh đi học trực tiếp trở lại, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo, nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K.
 
Đối với trường hợp là F1 chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19: cách ly y tế 7 ngày tại nhà, xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) vào ngày thứ 7 do nhân viên y tế của cơ sở y tế thực hiện hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế của cơ sở y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa. Nếu kết quả xét nghiệm ngày 7 âm tính thì học sinh đi học trực tiếp trở lại, tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 3 ngày tiếp theo, nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K.
 
Đối với trường hợp không phải F1, được tiếp tục học tập trực tiếp, tự theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày.
 
Đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ: toàn bộ học sinh trong cùng lớp cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) vào ngày thứ 7 do nhân viên y tế của cơ sở y tế thực hiện hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế của cơ sở y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa. Nếu kết quả xét nghiệm ngày 7 âm tính thì học sinh đi học trực tiếp trở lại, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm lớp tiếp tục theo dõi sức khỏe cho trẻ trong 3 ngày tiếp theo.
 
UBND TP giao cơ sở giáo dục lập danh sách các trường hợp F0, F1 theo quy định của ngành y tế và chuyển cho Trạm y tế cấp xã, Trung tâm y tế cấp huyện nơi cơ sở giáo dục trú đóng để chuyển danh sách về địa phương theo dõi sức khỏe F0, F1, đặc biệt lưu ý người mắc bệnh nền.
 
Cơ sở giáo dục phải lập danh sách học sinh mắc bệnh nền (học cùng lớp) để theo dõi sát sức khỏe học sinh trong vòng 10 ngày.
 
Bước 4: Vệ sinh, khử khuẩn lớp học, đối với lớp có học sinh là F0 sau khi xét nghiệm, di chuyển học sinh có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học.
 
Đối với F0 là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động khi có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 cũng được xử lý theo quy trình như trên. Trường hợp phát hiện học sinh là F0 tại nhà, phụ huynh cho học sinh nghỉ học, thông báo ngay cho nhà trường kèm theo kết quả xét nghiệm hoặc xác nhận của Trạm y tế cấp xã nơi cư trú.
 
Cũng theo quy định này, nếu trong cùng một ngày, lớp học phát hiện từ 2 F0 trở lên thì Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của cơ sở giáo dục căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của các học sinh còn lại trong lớp.

Nếu trong cùng một ngày, cơ sở giáo dục phát hiện từ 2 lớp có F0 trở lên thì Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của trường.
 
Minh Anh

Đề xuất TP.HCM dừng học trực tiếp nếu có hơn 100 trẻ F0 nặng mỗi ngày

Đề xuất TP.HCM dừng học trực tiếp nếu có hơn 100 trẻ F0 nặng mỗi ngày

Đại diện ngành y tế TP.HCM, cho hay sẽ tham mưu cho UBND TP.HCM xem xét ngưng việc học trực tiếp nếu mỗi ngày có hơn 100 trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nặng.