Sủng Là (huyện Đồng Văn, Hà Giang) là một xã vùng cao nằm bên quốc lộ 4C nối Hà Giang với địa đầu cực Bắc, cách thị trấn Đồng Văn hơn 20km về phía nam. Xã cũng thuộc khu vực biên giới còn khó khăn về nhiều mặt, trình độ nhận thức của quần chúng nhân dân còn thấp, kinh tế, xã hội chậm phát triển, tình trạng tái mù chữ còn nhiều. Trên địa bàn giáp biên giới nên còn nhiều phức tạp. Quản lý biên giới tại đây là Đồn biên phòng Phó Bảng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang.
Nhiều năm qua, Đồn đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, đấu tranh kịp thời với các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm hình sự và trật tự xã hội trên địa bàn. Trong đó Đồn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật tới người dân sinh sống trên địa bàn. Lồng ghép triển khai nhiều chương trình như “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em tới trường”… góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, củng cố nền biên phòng toàn dân vững mạnh.
Từ tháng 6/2023, tại bản Đoàn Kết, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn cứ tối thứ 2 và tối thứ 6 hàng tuần lớp học của hai thầy giáo mang quân hàm xanh phụ trách lại bắt đầu.
Lớp học này là lớp học xóa mù chữ cho 15 học viên là đồng bào dân tộc Mông. Người đứng lớp cán bộ của Đồn Biên phòng Phó Bảng. Lớp học không phân biệt già trẻ, nam nữ. Mọi người đi học đều là người có mong muốn học đọc, viết. Bỏ qua mặc cảm, các học viên đều có cố gắng học từng con chữ để có thể phát triển kinh tế gia đình, nâng cao hiểu biệt nhận thức của mình và có thể được nghe các thông tin về các chính sách, pháp luật của nhà nước.
Giáo viên đứng lớp là một cán bộ người dân tộc và một người dân tộc Kinh. Bài giảng được các giáo viên linh hoạt phối hợp để truyền tải cho người học. Các bài khó, thầy giáo biết tiếng Mông sẽ phụ trách giảng giải. Nhờ đó,hiệu quả của lớp học rất cao. Vài tháng học, các học viên đã biết đọc, viết, tính toán.
Theo chị Vàng Thị Máy, người dân tộc Mông trú tại bản Đoàn Kết, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nhờ đến lớp, chị đã biết đọc, biết viết. Về nhà, chị Máy lại dạy lại con cái.
Biết chữ, chị Máy có thể biết được giá cả các mặt hàng, giới thiệu mặt hàng tới khách du lịch, đời sống của mình cũng phong phú hơn.
Từ con chữ học được trên lớp, người phụ nữ này tự nâng cao kiến thức cho mình để phát triển đời sống gia đình. Chị có thể nói chuyện với khách du lịch và tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Những buổi học trên lớp, chị Máy cũng được các thầy giáo giảng cho nghe về lịch sử, ý nghĩa của bảo vệ biên cương vùng địa đầu của Tổ quốc.
Theo Trung tá Hùng Minh Phương, Đồn biên phòng Phó Bảng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, anh cũng là người đồng bào dân tộc Mông. Khi được đứng lớp dạy học cho các đồng bào của dân tộc mình để họ biết thêm con chữ, biết thêm kiến thức anh vô cùng hạnh phúc. Những kiến thức anh Phương biết đều truyền đạt lại cho các học viên.
Với sự nỗ lực của cả thầy và trò, sự trợ giúp của chính quyền xã cũng như Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang. Qua lớp học, người dân không chỉ biết thêm chữ, các cán bộ cũng kết hợp tuyên truyền cho bà con về các chính sách của Đảng, Nhà nước và Luật Biên phòng, An ninh biên giới. Qua đây, lực lượng biên phòng cũng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời thông tin tình hình liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Nhờ đó, công tác bảo vệ bờ cõi biên cương cũng tốt hơn. Người dân có thêm nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình và nâng cao tinh thần đoàn kết, phát triển kinh tế, một lòng trung kiên giữ từng tấc đất, mỏm đá nơi địa đầu của tổ quốc góp phần bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc. Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và tích cực phối hợp, giúp đỡ Bộ đội Biên phòng trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.