Tỉnh Đồng Tháp có đường biên giới dài hơn 50km tiếp giáp với tỉnh Prây Veng với 07 cặp cửa khẩu, trong đó có 02 cửa khẩu quốc tế và 05 cửa khẩu phụ.

Thời gian qua, trên cơ sở thoả thuận hợp tác giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia, hai tỉnh tăng cường mối quan hệ truyền thống, đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới giữa hai tỉnh.

Để phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp khóa XI đã ban hành Kết luận số 245-KL/TU ngày 23/11/2021 về phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, tỉnh chủ trương xây dựng khu vực biên giới theo hướng kết nối, liên kết, phù hợp với yêu cầu phát triển và khả năng nguồn lực thực hiện. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông (đường bộ, đường thuỷ) kết nối với các vùng lân cận và phía bạn Campuchia để tạo động lực cho cả khu vực biên giới như: Nạo vét kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, ĐT.841, ĐT.842, ĐT.843.

W-cuakhau-1.png
Người dân làm thủ tục tại cửa khẩu phụ giữa tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam và tỉnh Prey Veng, Campuchia.

Xây dựng cụm, tuyến dân cư kết hợp với tạo sinh kế bền vững góp phần ổn định đời sống dân cư biên giới, từng bước hình thành các khu đô thị vùng biên, khu đô thị vệ tinh ở các cụm, tuyến dân cư. Xây dựng thành phố Hồng Ngự là đô thị trung tâm khu vực biên giới Tỉnh, kết nối với thị trấn Sa Rài, thị trấn Thường Thới Tiền, với 02 đô thị cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, Thường Phước và đầu tư, kêu gọi đầu tư, nâng cấp khu cửa khẩu quốc tế Thường Phước, Dinh Bà theo tiêu chí đô thị loại V để tạo động lực phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, du lịch.

Phát triển các ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản, xay xát, lau bóng gạo và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp năng lượng tái tạo. Tạo điều kiện phát triển công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề (may mặc, giày da, gia công sản phẩm cơ khí, sản xuất tiêu dùng, chế biến gỗ...) góp phần tạo việc làm, ổn định dân cư.

Tập trung khai thác lợi thế kinh tế cửa khẩu của 02 cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, Thường Phước và 04 cửa khẩu phụ: Sở Thượng, Á Đôn, Thông Bình và Bình Phú. Tiếp tục kiến nghị với Trung ương sớm đầu tư, nâng cấp cửa khẩu Mộc Rá thành cửa khẩu chính. Khuyến khích giao thương, trao đổi hàng hoá giữa người dân hai nước. Khai thác hệ thống chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Thu hút các doanh nghiệp có năng lực tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu. Tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế và phát huy truyền thống láng giềng hữu nghị với nước bạn Campuchia để mở rộng giao lưu kinh tế trên cơ sở thỏa thuận hợp tác hàng năm giữa tỉnh Đồng Tháp với Prây-Veng, Campuchia và Nghị định thư vận tải giữa hai nước Việt Nam và Campuchia. Đề xuất Chính phủ đưa cặp cửa khẩu Dinh Bà - Bontia Chak Cray vào các Hiệp định liên vận, thương mại giữa Việt Nam với Lào, Campuchia, Thái Lan để tăng cường trao đổi hàng hóa giữa các nước.

Xác định phát triển du lịch trên nền tảng nông nghiệp, nông thôn, khai thác các tài nguyên du lịch như: Cồn, di tích, thắng cảnh, làng nghề, du lịch nông nghiệp sinh thái kết hợp khám phá sắc màu vùng biên - cột mốc biên giới, thương mại biên giới, du lịch đường thuỷ; chú trọng xây dựng thương hiệu các điểm đến.

Đến nay, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện, có 05/10 chỉ tiêu có tiến độ thực hiện tốt, cơ bản đạt và vượt mục tiêu hằng năm.

Cụ thể, thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 ước tăng bình quân trên 17%/năm; giá trị xuất, nhập khẩu hàng hoá biên mậu giai đoạn 2021 - 2023 ước tăng bình quân 7,6%/năm; 93% dân cư khu vực biên giới tham gia bảo hiểm y tế; 93,88% hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá; 94% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch v.v..

Cửu Long