Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên, ảnh hưởng của mưa lớn do hoàn lưu bão số 3, vào lúc 10h, ngày 9/9, lũ trên sông Cầu tiếp tục lên chậm, tại trạm thủy văn Gia Bẩy mực nước lũ đã cao hơn 12cm so với cơn lũ lịch sử năm 1959. 

Tại thành phố Thái Nguyên, từ 15h chiều ngày 8/9 mưa đã giảm dần và tạnh hẳn, tạo thuận lợi cho công tác chỉ huy và triển khai các biện pháp ứng phó với lũ lụt, sơ tán người dân và tài sản đến nơi an toàn. 

Tuy nhiên, nước lũ trên sông Cầu tiếp tục lên chậm do hiện nay nước ở khu vực thượng nguồn đổ về (Khu vực tỉnh Bắc Kạn và các huyện vùng núi của tỉnh Thái Nguyên).

Theo nhận định của UBND tỉnh Thái Nguyên, với diễn biến thời tiết như hiện tại nhiều khả năng lũ trên sông cầu sẽ sớm đạt đỉnh và sau đó rút dần. 

IMG_EF7EFA353FBC 1.jpg
Nhiều nhà dân ở TP Thái Nguyên chìm trong biển nước.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, bám sát các diễn biến thời tiết, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên ứng trực để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, gửi tin nhắn cảnh báo đến người dân trên địa bàn.

Trong ngày 9/9, ông Trịnh Việt Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đã trực tiếp kiểm tra một số địa điểm có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo UBND tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp với các địa phương ở thượng nguồn sông Cầu để công tác dự báo được sớm và sát với thực tế; trường hợp cần thiết khẩn trương liên hệ với Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai quốc gia để cử chuyên gia có kinh nghiệm về hỗ trợ tỉnh ứng phó và khắc phục hậu quả lũ lụt. 

Trong đêm ngày 8/9, ông Nguyễn Huy Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã đi kiểm tra thực tế một số địa điểm xung yếu trên tuyến đê Sông Cầu khu vực TP Thái Nguyên và tuyến đê Chã ở TP Phổ Yên; tổ chức họp Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các địa phương có liên quan để kịp thời triển khai các nhiệm vụ theo quy định với nguyên tắc "tính mạng con người là trên hết".

IMG_296B0EE26E5A 1.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng và các thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đã đi kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ gia cố đê điều tại các điểm xung yếu của TP Thái Nguyên.

Theo báo cáo ban đầu, hiện nay lũ gây ngập úng cục bộ, chia cắt một số khu vực trên địa bàn TP Thái Nguyên, Phổ Yên….

Về nhà ở, hiện đã có hơn 2 nghìn hộ phải di dời khẩn cấp; 206 nhà bị tốc mái; 21 điểm trường bị ảnh hưởng; 1 nhà văn hóa bị hư hỏng.

Về nông nghiệp, khoảng 3.512,7 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 70,5 ha cây lâm nghiệp; 4ha cây ăn quả bị ảnh hưởng.

Về chăn nuôi, phải di dời nhiều vật nuôi, chuồng trại bị tốc mái, hư hỏng. Về giao thông 31 điểm sạt lở; gãy đổ 6 cột treo cáp và một số thiết bị đầu cuối bị hư hỏng. Ngập úng cũng gây hư hỏng nhiều tài sản của các hộ dân. 

IMG_824569254A78 1.jpg
Nhiều xã, phường trên địa bàn TP Thái Nguyên bị ngập lụt, lực lượng chức năng cùng người dân đưa phụ nữ và trẻ nhỏ đến nơi an toàn.

Trước những thiệt hại ban đầu do lũ gây ra, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, sử dụng nguồn lực của tỉnh để kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của nước lũ.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực, chủ động và kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với diễn biến của lũ.

Bạn đọc có tin tức, hình ảnh, clip về tình hình mưa lũ miền Bắc; các sự cố tai nạn do mưa lũ xin gửi về email: banthoisu@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn!