Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025. Luật có nhiều điểm mới, trong đó quy định rõ quyền, nghĩa vụ của lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách.
Cụ thể, Điều 59, Luật Đường bộ cho phép lái xe, nhân viên phục vụ trên ô tô kinh doanh vận tải hành khách được từ chối chở khách khi khách có một trong các hành vi: Gây rối trật tự công cộng trên ô tô; Cản trở công việc của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; Gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác trên ô tô; Gian lận vé.
Tài xế cũng được quyền từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không bảo đảm các điều kiện về an toàn theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Luật cũng quy định tài xế, nhân viên phục vụ không được từ chối vận tải hành khách (trừ những trường hợp nêu trên); không được gây khó khăn đối với hành khách là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ mang thai; không được chuyển hành khách sang phương tiện khác khi chưa được sự đồng ý của hành khách, trừ trường hợp bất khả kháng.
Tài xế, người phục vụ phải có thái độ, lời nói, hành vi văn minh, lịch sự; hướng dẫn hành khách ngồi đúng nơi quy định, bố trí chỗ ngồi ưu tiên cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ mang thai. Thu tiền đúng giá vé niêm yết hoặc theo hợp đồng vận tải.
Đối với hành khách, quyền và nghĩa vụ cũng được quy định rõ tại Điều 60. Theo đó, hành khách có các quyền sau đây:
Được vận tải theo đúng vé, hợp đồng vận tải, cam kết của người kinh doanh vận tải về chất lượng vận tải;
Được nhận vé hoặc chứng từ thay vé; được từ chối chuyến đi trước khi phương tiện khởi hành và được trả lại tiền vé theo quy định;
Được miễn, giảm giá vé theo quy định của pháp luật.
Song song đó, hành khách cũng có các nghĩa vụ:
Thanh toán tiền cước chuyến đi theo giá vé niêm yết hoặc theo thoả thuận với đơn vị kinh doanh vận tải;
Chấp hành quy định về vận tải; thực hiện đúng hướng dẫn của lái xe, nhân viên phục vụ trên ô tô;
Không mang theo hàng hóa cấm lưu thông, hàng hóa nguy hiểm, động vật hoang dã; hàng có mùi hôi thối hoặc động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách, môi trường;
Xuất trình giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được miễn, giảm giá vé với đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải theo quy định của pháp luật;
Thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật.
Điều 58: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô được quyền:
Thu tiền vận tải;
Quyết định các chính sách ưu đãi để phục vụ khách hàng và mở rộng thị trường kinh doanh.
Từ chối vận tải hành khách có hành vi gây rối trật tự công cộng trên ô tô, cản trở hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác, gian lận vé;
Đồng thời đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô cũng có các nghĩa vụ:
Chấp hành và thực hiện đầy đủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, cam kết về chất lượng vận tải, hợp đồng vận tải;
Mua bảo hiểm cho hành khách; phí bảo hiểm được tính vào giá vé, giá trị hợp đồng vận tải;
Thực hiện kê khai giá theo quy định của pháp luật về giá; cung cấp vé, chứng từ thu tiền vận tải;
Bồi thường thiệt hại do người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gây ra trong quá trình vận tải theo quy định của pháp luật;
Thực hiện việc miễn giảm giá vé đối với người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác theo quy định của pháp luật;
Không được để tổ chức, cá nhân không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô loại hình vận tải hành khách thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hành khách;
Không được sử dụng người không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe, người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người đang bị tước hoặc bị thu hồi giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện vận tải hành khách.