- Trong hai ngày 7 và 10/10/2016, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ ông Hoàng Xuân Quế kiện nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (bản án dự kiến được tuyên vào ngày 17/10/2016).
Trước đó, năm 2013, sau khi xác minh nội dung đơn thư tố cáo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã quyết định thu hồi bằng tiến sỹ của ông Quế, với lý do ông đã chép luận án tiến sỹ của người khác.
Dưới đây là trao đổi với luật sư Đinh Anh Tuấn - người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Bộ GD-ĐT tại Tòa.
Không cần thiết chấm lại luận án?Thưa luật sư, việc ông Hoàng Xuân Quế kiện nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đang gây chú ý dư luận. Có ý kiến cho rằng Hội đồng Xác minh luận án tiến sỹ do Bộ GD-ĐT lập ra trong quá trình giải quyết tố cáo đối với ông Quế sai về thành phần, sử dụng con dấu không đúng, liệu một hội đồng như vậy có thể chấm lại chính xác cuốn luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế?
Thành phần của Hội đồng Xác minh luận án tiến sỹ (do Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế thành lập theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) gồm những ai do ông Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế quyết định, vì thế không có căn cứ để nói là phải có người này, không được có người kia.
Ngành kinh tế là một lĩnh vực rất rộng, trên thực tế ông Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế đã mời những chuyên gia chuyên sâu về tài chính - tiền tệ tham gia đánh giá cuốn luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế, theo tôi là hoàn toàn hợp lý.
Điều quan trọng và tại phiên tòa tôi đã khẳng định, đó là kết luận của Hội đồng Xác minh luận án tiến sỹ trong vụ việc này chỉ được Bộ GD&ĐT dùng để tham khảo.
Ông có thể nói rõ hơn vì sao kết luận của Hội đồng Xác minh luận án tiến sỹ không phải là căn cứ để Bộ GD&ĐT ra kết luận nội dung tố cáo?
Trong vụ việc này, Hội đồng Xác minh luận án tiến sỹ đưa ra ý kiến trong giai đoạn Bộ GD-ĐT xác minh nội dung báo chí phản ánh, không phải trong giai đoạn chính thức giải quyết đơn tố cáo.
Thứ hai, mặc dù Hội đồng Xác minh luận án tiến sỹ đã tổ chức đối chiếu 02 cuốn luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế và ông Mai Thanh Quế, nhưng khi đi vào giải quyết tố cáo chính thức, Tổ xác minh của Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức đối chiếu lại giữa 02 cuốn luận án tiến sỹ này. Kết quả đối chiếu của Tổ xác minh Bộ GD-ĐT mới là căn cứ để Bộ GD-ĐT ra kết luận.
Nhưng việc lập một Hội đồng Xác minh luận án tiến sỹ để đánh giá cuốn luận án tiến sỹ bị tố cáo là sao chép vẫn cần thiết?
Theo Luật Tố cáo, Quy chế Đào tạo sau đại học, Quy chế Văn bằng chứng chỉ, không bắt buộc phải thành lập Hội đồng Xác minh luận án tiến sỹ khi giải quyết tố cáo liên quan đến hành vi sao chép luận án tiến sỹ.
Phát biểu tranh luận tại tòa, tôi đã nhấn mạnh nhiều lần: Để quyết định thu hồi bằng tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế, Bộ GD-ĐT phải làm rõ có hay không có hành vi sao chép gian lận (và đây là nhiệm vụ của Tổ xác minh Bộ GD-ĐT), chứ Bộ GD-ĐT không đi chấm lại luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế.
Không quy định phải có chữ ký của nghiên cứu sinh
Dư luận về phiên tòa này đang tập trung vào cuốn luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế lưu giữ tại Thư viện Quốc gia không có chữ ký của ông Quế, cũng không có một số tài liệu kèm theo. Đây là lý do để ông Quế khẳng định cuốn luận án tiến sỹ của ông Quế tại Thư viện Quốc gia đã bị ai đó đánh tráo.
Trong thời gian Bộ GD-ĐT giải quyết tố cáo, ông Hoàng Xuân Quế cho rằng cuốn luận án tiến sỹ tại Thư viện Quốc gia do cháu ông Quế “nộp nhầm”.
Ông Quế giải thích khi làm luận án tiến sỹ, ông Quế chưa biết đánh máy tính, vì vậy ông Quế nhờ cửa hàng photocoppy đánh hộ một số trang từ cuốn luận án tiến sỹ của ông Mai Thanh Quế, sau đó sẽ sửa lại. Nhưng khi đóng sách thì cửa hàng photocoppy lại đóng nhầm bản chưa sửa, mới có chuyện một số trang coppy nguyên vẹn cuốn luận án tiến sỹ của ông Mai Thanh Quế.
Phát hiện ra điều này, ông Hoàng Xuân Quế đã yêu cầu cửa hàng photocoppy đóng lại, in lại. Những cuốn luận án tiến sỹ bị lỗi ông Hoàng Xuân Quế không tiêu hủy mà để cạnh những cuốn đã chỉnh sửa. Khi mang luận án tiến sỹ đi nộp cho Thư viện Quốc gia, cháu ông Quế đã nộp nhầm cuốn bị lỗi.
Tại sao cuốn luận án tiến sỹ của ông Quế do Thư viện Quốc gia lưu giữ lại không có chữ ký của ông Quế?
Thư viện Quốc gia không tự dưng có được cuốn luận án tiến sỹ của ông Quế.
Bản thân ông Quế cũng khẳng định chắc chắn đã nộp cuốn luận án tiến sỹ cho Thư viện Quốc gia, bởi Quy chế Đào tạo sau đại học của Bộ GD-ĐT bắt buộc nghiên cứu sinh phải thực hiện việc này mới được nhận bằng tiến sỹ.
Như vậy, việc cuốn luận án tiến sỹ tại Thư viện Quốc gia không có một số tài liệu đính kèm, lỗi trước hết thuộc về ông Quế, bởi ông Quế đã không đính kèm các tài liệu.
Còn về chữ ký của nghiên cứu sinh, theo quy định tại Quy chế Đào tạo sau đại học và Công văn số 8217/SĐH ngày 01/9/2000 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện quy chế này, chỉ có lời cam đoan của nghiên cứu sinh là bắt buộc phải có, không quy định phải có chữ ký của nghiên cứu sinh.
Thực tế có rất nhiều luận án tiến sỹ chỉ có lời cam đoan mà không có chữ ký của nghiên cứu sinh.
Tại sao luật sư lại bỏ qua giả thuyết cuốn luận án tiến sỹ của ông Quế bị đánh tráo?
Bởi vì người nào muốn “đánh tráo” thì phải thông đồng với nhân viên thư viện, mới có con dấu thư viện trên cuốn luận án tiến sỹ tráo vào đó.
Ông Quế hoàn toàn không có căn cứ để chứng minh việc này.
Mặt khác, nhiều cuốn luận án tiến sỹ của các nghiên cứu sinh khác (trong đó có ông Mai Thanh Quế) cũng không có chữ ký của họ, song có ai kêu bị đánh tráo đâu!
Cần nói thêm, giả sử việc “đánh tráo” có thật, thì nó đã diễn ra ở cả 03 thư viện: Thư viện Đại học Kinh tế Quốc dân, Thư viện Quốc gia, và Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
Điều này không thể xảy ra trong thực tế. Điều quan trọng nhất tôi muốn nhấn mạnh, nếu khẳng định cuốn luận án của mình bị “đánh tráo”, ông Quế phải có đơn tố cáo và phải có chứng cứ chứng minh cho tố cáo đó.
Bộ GD-ĐT có trách nhiệm lưu giữ các luận án tiến sỹ do nghiên cứu sinh giao nộp không? Việc Bộ GD-ĐT chuyển cuốn luận án tiến sỹ do ông Quế nộp vào cho Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh là theo quy định pháp lý nào?
Theo Quy chế Đào tạo sau đại học do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành, việc nghiên cứu sinh nộp luận án tiến sỹ cho Bộ là để có căn cứ thành lập Hội đồng bảo vệ luận án tiến sỹ cấp nhà nước.
Quy chế Đào tạo sau đại học không quy định Bộ GD-ĐT có trách nhiệm lưu giữ các cuốn luận án tiến sỹ sau khi Hội đồng bảo vệ luận án tiến sỹ cấp nhà nước đã được thành lập.
Tuy nhiên, trên thực tế, toàn bộ các luận án tiến sỹ do nghiên cứu sinh nộp đều được Bộ GD-ĐT lưu giữ tại kho lưu giữ của Bộ, chưa có khiếu nại nào về việc bị mất mát, tráo đổi luận án tiến sỹ tại Bộ.
Việc Bộ GD-ĐT chuyển một số lượng lớn luận án tiến sỹ cho Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh vào năm 2008 (cuốn luận án tiến sỹ của ông Quế nằm trong số này) là theo đề nghị của Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh, và một lý do thực tế là kho lưu giữ của Bộ GD-ĐT đang bị quá đầy.
Việc giao nhận - này được thực hiện với các thủ tục chặt chẽ theo đúng quy định của Pháp lệnh Thư viện và Nội quy của Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
Bộ GD-ĐT có đầy đủ các tài liệu để chứng minh cuốn luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế giao nộp cho Bộ GD-ĐT chính là cuốn luận án tiến sỹ được lưu giữ tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
Tính pháp lý và khách quan
Sau khi bị tố cáo là “sao chép luận án”, ông Quế đã tự đi xin lại được 03 cuốn luận án tiến sỹ từ các giáo viên hướng dẫn, giáo viên phản biện. Những cuốn luận án tiến sỹ này có nội dung khác với những các cuốn lưu tại các thư viện. Có ý kiến rằng Bộ GD-ĐT chưa làm rõ kết luận giám định về các cuốn luận án tiến sỹ này?
Bộ GD-ĐT đã đề nghị cơ quan công an (A83) thu thập một số tài liệu liên quan đến vụ việc.
Theo trưng cầu của A83, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã có Kết luận giám định về 03 cuốn luận án tiến sỹ do ông Quế thu thập.
Tuy nhiên, Kết luận giám định chỉ đánh giá về hình thức của 03 cuốn luận án tiến sỹ, trong khi Bộ GD-ĐT đi sâu làm rõ tính pháp lý và tính khách quan của 03 cuốn luận án tiến sỹ do ông Quế thu thập. Do vậy, Kết luận giám định này chỉ là tài liệu để Bộ GD-ĐT tham khảo.
Ông có thể nói sâu hơn về đánh giá của Bộ GD-ĐT đối với 03 cuốn luận án tiến sỹ do ông Quế thu thập và giao cho Tổ xác minh của Bộ GD-ĐT?
Quy chế Đào tạo sau đại học không quy định các giáo viên hướng dẫn, giáo viên phản biện phải bảo quản nguyên vẹn các cuốn luận án tiến sỹ của nghiên cứu sinh, như vậy tính pháp lý của tài liệu không chặt chẽ như việc bảo quản của thư viện.
Về phương pháp thu thập, theo tài liệu xác minh của A83, ban đầu khi ông Quế cùng chủ nhà tìm thì đều không thấy, nhưng sau khi vắng mặt chủ nhà thì lại thấy. Điều này không bảo đảm tính khách quan của những cuốn luận án tiến sỹ đó.
Bộ GD-ĐT có xem xét nội dung các cuốn luận án tiến sỹ do ông Quế thu thập không, thưa ông?
Tổ xác minh của Bộ đã xem xét và nhận thấy những cuốn luận án tiến sỹ này vẫn có nhiều dòng, thậm chí nhiều trang sao chép y nguyên từ cuốn luận án tiến sỹ của ông Mai Thanh Quế. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không căn cứ vào các cuốn luận án tiến sỹ này để thu hồi bằng tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế, bởi như đã nói, các tài liệu này không bảo đảm tính pháp lý và tính khách quan.
Cảm ơn ông!
Hoàng Thanh (Thực hiện)