Sáng 26/8, phiên tòa xét xử vụ nâng khống giá cây xanh tiếp tục với phần tranh luận. Đại diện VKS đề nghị tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) mức án 2-3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung, luật sư Nguyễn Văn Tú đưa ra quan điểm cho rằng, không đủ căn cứ kết luận ông Chung chỉ đạo, áp đặt Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục phải đặt hàng Công ty Sinh Thái Xanh của Bùi Văn Mận trồng cây tại nút giao Đại lộ Thăng Long – Quốc lộ 21.

Theo luật sư Tú, ý tưởng làm vườn ươm tại Đại lộ Thăng Long nút giao Quốc lộ 21 xuất phát từ đề xuất của Sở Xây dựng từ ngày 24/12/2015 chứ không phải là ý tưởng của bị cáo Bùi Văn Mận tư vấn cho ông Chung như quy kết của CQĐT.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: CTV

Luật sư cho rằng, việc quy kết ông Chung “chỉ đạo miệng” cho ông Lê Văn Dục về việc làm lại tờ trình thay đổi phương thức lựa chọn nhà thầu từ đấu thầu sang đặt hàng giao cho Công ty Sinh Thái Xanh thực hiện chỉ căn cứ vào lời khai duy nhất của ông Dục. Bản thân ông Chung khai không chỉ đạo việc này.

Ngoài ra, không có ai nghe trực tiếp hoặc có nguồn chứng cứ nào khác thể hiện ông Chung chỉ đạo. Mặt khác, ông Dục lại là người liên quan, có trách nhiệm trực tiếp, trong lời khai của ông Dục không nói được chính xác thời gian, địa điểm nghe chỉ đạo làm lại tờ trình của ông Chung. 

Luật sư viện dẫn khoản 2 Điều 94 Bộ luật TTHS năm 2015 để khẳng định: “Không được dùng làm chứng cứ với những tình tiết do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó”.

Theo quan điểm bào chữa của luật sư, việc đại diện VKS khẳng định ông Nguyễn Đức Chung có động cơ cá nhân và trích dẫn ra lời khai của ông Bùi Văn Mận và ông Vũ Kiên Trung (cựu Chủ tịch Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội) để khẳng định là chưa phù hợp với quy định pháp luật.

Luật sư Tú bổ sung thêm tình tiết giảm nhẹ tội cho cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đó là năm 2004, ông Nguyễn Đức Chung được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” nên có thể coi ông Chung là người có công với cách mạng; ông Chung đang mắc bệnh hiểm nghèo, đã 2 lần phải phẫu thuật ung thư trực tràng và ung thư phổi có di căn nên đề nghị HĐXX xem xét.

Về quan điểm luận tội của đại diện VKS cho rằng ông Nguyễn Đức Chung quanh co, chối tội, luật sư Tú khẳng định thân chủ của mình luôn phối hợp cung cấp sự thật, giải thích bối cảnh, hoàn cảnh diễn biến trong vụ việc. 

Với những phân tích trên, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng mức cải tạo không giam giữ đối với ông Nguyễn Đức Chung.

Lời tự bào chữa của ông Nguyễn Đức Chung 

Được quyền tự bào chữa, bị cáo Chung trình bày: "Tôi bị ung thư trực tràng, đã mổ cắt 80cm trực tràng năm 2015, sau đó sang Pháp cắt nửa phổi phải, còn 1 khối u ở gan, nếu không bị khởi tố thì tháng 3/2023, tôi tiếp tục được phẫu thuật. Tôi mong HĐXX cho tôi được hưởng những gì mà pháp luật quy định”.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc trồng gần 600.000 cây keo tại Đại lộ Thăng Long và 34 tuyến đường của Hà Nội đã giúp cho UBND TP không phải chi khoảng 230 tỷ đồng mỗi năm cho việc cắt cỏ, dây leo, chống sụt lún trên các tuyến đường này từ năm 2018 - 2020 và cho cả các năm sau.

Việc tổ chức cắt tỉa cây đồng bộ trên tất cả các tuyến đường trên địa bàn 12 quận đã làm giảm cây đổ vào mùa mưa bão từ vài trăm cây.

Từ năm 2016 - 2020 không có vụ cây đổ nào gây chết người. Trong khi đó, trước năm 2015, mỗi năm có từ 5- 9 công nhân công ty cây xanh bị chết và bị thương.

Từ năm 2016-2020, Hà Nội đã trồng được 1,6 triệu cây, nâng tổng số m2 cây xanh/ đầu người từ 5,6m2 vào 2015 lên 8,8m2 vào năm 2020, làm giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. 

Theo trình bày của ông Chung, nhờ cách làm mới, trong 5 năm, Hà Nội đã tiết kiệm được 62.000 tỷ chi thường xuyên. Thực tế, tiền tiết kiệm đó đã được dùng một phần đầu tư cho ngành tư pháp, trong đó có trụ sở TAND TP Hà Nội, nơi bị cáo đang phải đứng...

“Chủ trương của Đảng, Chính phủ là việc gì có lợi cho dân và tiết kiệm được ngân sách thì phải áp dụng”, bị cáo Chung nói.

Theo trình bày của ông Chung, phương thức đặt hàng mua cây xanh đã đem lại hiệu quả khi làm giảm việc cây trồng xong có khi bị chết. Với phương thức mới, cây được trồng theo mùa, đơn vị được đặt hàng phải chịu trách nhiệm bảo hành, bổ sung cây chết trong 1 năm nên tỷ lệ cây sống cao, tiết kiệm được tiền duy tu, duy trì.

Bị cáo Chung bày tỏ bản thân không tin được là các bị cáo trong vụ án lại bắt tay nhau nâng khống giá cây xanh. Với cương vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bị cáo xin nhận trách nhiệm người đứng đầu.

Vẫn theo lời ông Chung, còn một số tình tiết mà một số bị cáo trong vụ án khai, khi HĐXX hỏi, bị cáo không biết phải trả lời như thế nào vì bị cáo "chỉ nói sự thật, không chối tội". 

“Trong các biên bản đối chất thì có hai bên, một bên nhận, một bên không nhận. Nhưng khi đối chất họ đều vái tay xin lỗi tôi. Lương tâm tôi nhận trách nhiệm tất cả những gì liên quan đến cây xanh. Tôi đã từng nói, nếu quy trách nhiệm cho tôi, tôi sẵn sàng bán nhà để bồi thường”, ông Nguyễn Đức Chung tự bào chữa.

Bị cáo Chung cũng cho rằng mình đủ tình tiết giảm nhẹ để được áp dụng xử phạt dưới khung hình phạt. 

Đây là vụ án thứ 4 ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) bị xử lý. Ông đang thi hành tổng cộng 12 năm tù tại 3 vụ án: Chiếm đoạt tài liệu mật liên quan vụ án Nhật Cường; mua sắm chế phẩm Redoxy-3C; can thiệp đấu thầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.