Ngày 10/1, hai luật sư Nguyễn Ngọc Hùng và Trần Mạnh Tùng, thuộc một văn phòng luật ở Hà Nội, đã gửi đơn kiện Apple đến Tòa án Nhân dân TP.HCM. Hãng công nghệ Mỹ hiện đặt văn phòng Apple Việt Nam tại quận 1, TP.HCM.
Trong hồ sơ khởi kiện hơn 600 trang, luật sư Hùng và Tùng yêu cầu bị đơn (Apple) đưa ra các giải pháp sửa chữa, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và ngăn chặn việc gây thiệt hại cho người dùng khi cập nhật các phần mềm, hệ điều hành mới dành cho sản phẩm điện thoại iPhone, phân phối cho người tiêu dùng ở Việt Nam.
"Cụ thể, Apple có trách nhiệm đưa ra giải pháp khắc phục và chấm dứt việc gây thiệt hại cho người tiêu dùng tại Việt Nam khi sử dụng iPhone đồng thời bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật", trích thông cáo báo chí đăng trên Batterydown.vn, website do hai luật sư này lập ra để tập hợp những người dùng có iPhone bị làm chậm ở Việt Nam.
“Chúng tôi quyết định thực hiện vụ kiện này với tư cách người tiêu dùng đồng thời là luật sư. Thông qua vụ việc này, chúng tôi mong muốn người tiêu dùng Việt Nam nhận thức được rằng: quyền và lợi ích hợp pháp của họ (người tiêu dùng nói chung) đang bị xâm hại. Chính vì vậy, trong đơn khởi kiện chúng tôi đề cập tới trách nhiệm của Apple đối với toàn bộ người tiêu dùng tại Việt Nam chứ không chỉ riêng chúng tôi”, hai luật sư này tuyên bố trong thông cáo báo chí.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội khẳng định thông tin trên là hoàn toàn chính xác. Phía Tòa án Nhân dân TP.HCM cũng đã tiếp nhận hồ sơ và có giấy xác nhận gửi đến phía ông Hùng.
Theo luật sư này, sau khi tiếp nhận, sẽ có 3 khả năng xảy ra: tòa chính thức thụ ký vụ án; tòa yêu cầu bổ sung hồ sơ sau đó thụ lý vụ án nếu thấy còn thiếu hồ sơ; hoặc tòa trả lại hồ sơ nếu xét thấy đơn kiện không phù hợp để thụ lý.
Ông Hùng cho biết với cương vị của một luật sư, nhiều khả năng trong trường hợp này tòa sẽ yêu cầu bổ sung hồ sơ. Hồ sơ bổ sung có thể bao gồm một số chi tiết kỹ thuật để làm rõ hơn tình tiết của đơn kiện.
Ông Hùng cũng tin rằng nhóm của ông có khả năng thắng kiện trong vụ án này. "Nhiều người dùng trên thế giới cũng đã đệ đơn kiện Apple. Chúng tôi đang kêu gọi nhiều người dùng trong nước tham gia vào vụ kiện này, yêu cầu Apple có biện pháp giải quyết phù hợp với quy định của luật pháp Việt Nam, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam nói chung", ông Hùng nói.
Apple đang bị kiện toàn cầu
Scandal của Apple bắt nguồn từ một bài viết trên Reddit, chia sẻ về sự khác biệt trong hiệu suất của chiếc iPhone trước và sau khi thay pin mới.
Theo đó, một tài khoản tên TekFire đã thử đo hiệu suất của chiếc iPhone 6S bằng Geekbench và nhận được số điểm 1.466 cho đơn nhân và 2.512 cho tác vụ đa nhân. Sau khi thay pin mới cho iPhone với giá 79 USD, anh này lặp lại bài kiểm tra trên và nhận được kết quả gây kinh ngạc: 2.526 cho đơn nhân và 4.456 cho đa nhân.
Phát hiện của TeckFire lập tức gây sốt trên Reddit và khiến Apple phải đưa ra lời xin lỗi, kèm chương trình ưu đãi thay pin mới giá 29 USD trên toàn cầu.
Tuy nhiên, hãng vẫn bị nhiều tổ chức, cá nhân đâm đơn kiện vì cho rằng việc làm chậm iPhone của Apple là vi phạm pháp luật.
Tại Mỹ, một đoàn luật sư ở California đã yêu cầu Apple bồi thường số tiền lên đến 999 tỷ USD. Không chỉ tại Californina, Apple còn đối mặt với các vụ kiện tại New York, Illinois, Israel, Pháp...
Một nhân vật nổi tiếng khác cũng đâm đơn kiện Apple là ông Jeffray Fazio, người từng thắng 53 triệu USD trong một vụ kiện liên quan đến bảo hành iPhone vào năm 2013. Ông này nói rằng pin của máy không có khả năng ảnh hưởng đến tốc độ xử lý của iPhone mà chính các bản cập nhật của Apple mới là nguyên nhân chính.
Theo Zing