Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trong luật nêu rõ các quy định liên quan phương tiện lưu thông trên đường cao tốc.
Theo Điều 25, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc phải tuân thủ quy tắc giao thông đường bộ, cụ thể:
Trước khi nhập làn của đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy.
Tài xế phải quan sát xe phía sau bảo đảm khoảng cách an toàn mới cho xe nhập vào làn đường sát bên phải. Nếu có làn đường tăng tốc thì tài xế phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi nhập vào làn đường của đường cao tốc.
Khi chuẩn bị ra khỏi đường cao tốc, lái xe phải quan sát biển báo hiệu chỉ dẫn, thực hiện chuyển dần sang làn đường sát bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe di chuyển trên làn đường đó trước khi ra khỏi đường cao tốc.
Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường.
Cũng theo luật, tài xế chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định. Trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải dừng xe, đỗ xe thì tài xế được dừng xe, đỗ xe ở làn dừng khẩn cấp cùng chiều xe chạy và phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp.
Trường hợp xe không thể di chuyển được vào làn dừng khẩn cấp, tài xế phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp và đặt biển hoặc đèn cảnh báo về phía sau xe khoảng cách tối thiểu 150m; nhanh chóng báo cho cơ quan Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến hoặc đơn vị quản lý đường cao tốc.
Xe nào không được đi vào đường cao tốc?
Chia sẻ với VietNamNet, Luật sư Nguyễn Văn Điện (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn tốc độ tối thiểu quy định đối với đường cao tốc, xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ không được đi trên đường cao tốc.
Tuy nhiên, người, phương tiện giao thông đường bộ và thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc thì được đi vào.
Theo luật sư, thời gian vừa qua xuất hiện tình trạng người điều khiển xe máy đi vào cao tốc, đây là hành vi vi phạm luật.
Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định cụ thể về mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, trong đó bao gồm cả xe đạp điện, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy khi thực hiện hành vi vi phạm quy định về quy tắc an toàn giao thông đường bộ.
Theo đó, phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện khi thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như:
Người điều khiển phương tiện có hành vi điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định vượt trên 20km/h.
Người điều khiển phương tiện có hành vi không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây ra tai nạn giao thông đường bộ, đi vào đường cao tốc, dừng xe/đỗ xe trái quy định của pháp luật, quay đầu xe hoặc lùi xe trái quy định pháp luật, tránh xe hoặc vượt xe trái quy định pháp luật, chuyển hướng hoặc chuyển làn không đúng quy định gây ra tai nạn giao thông, không đi đúng phần đường hoặc làn đường xe chạy, không giữ khoảng cách an toàn giữa các phương tiện theo quy định của pháp luật gây tai nạn giao thông, đi vào phần đường có biển báo nội dung cấm đi vào, đi ngược chiều đối với đường một chiều...
Người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường tuy nhiên trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu, hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/1l khí thở.
“Căn cứ quy định trên, người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc, ngoại trừ phương tiện được sử dụng để quản lý và bảo trì đường cao tốc, thì có thể bị xử phạt từ 4 - 5 triệu đồng. Ngoài ra, tài xế còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong khoảng thời gian từ 2 - 4 tháng”, luật sư Nguyễn Văn Điện nói.