- Đọc bài cấm ôtô 5 ngày, tôi đồng ý với ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng: "Việc cấm xe ô tô cá nhân chưa chắc đã giảm được ùn tắc vì cấm xe cá nhân xe máy, xe taxi sẽ đi nhiều hơn,… do vậy chưa đảm bảo được việc giảm ùn tắc và còn nhiều vấn đề nảy sinh khác liên quan đến hoạt động xã hội".

Tôi xin góp vài ý kiến như sau:

Trước tiên, xin hãy đổi mới tư duy "QUẢN KHÔNG ĐƯỢC THÌ CẤM". Cần có một tư duy tích cực hơn dựa trên sự phát triển tất yếu của tự nhiên, của xã hội.

Trước khi đưa ra một chính sách, một qui định hãy cho điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng về lý do nguyên nhân, tình hình thực trạng và đặc biệt là tầm ảnh hưởng tốt xấu của chủ trương chính sách đó để đề ra mục tiêu và giải pháp chính xác.

Vấn đề là chúng ta cần chỉ rõ nguyên nhân sâu xa của ùn tắc giao thông là do đâu (ngoài lí do xe nhiều - đường hẹp - điều mà ai cũng biết, vì đó là hệ quả lịch sử để lại "đường nhỏ" và sự phát triển tất yếu - "xe nhiều").

"Việc cấm xe ô tô cá nhân chưa chắc đã giảm được ùn tắc vì cấm xe cá nhân xe máy, xe taxi sẽ đi nhiều hơn"

Nếu chỉ căn cứ theo hai lý do này thì chỉ có "hạn chế" và "cấm đi", mà hạn chế xe - tức là hạn chế phát triển, cấm đi đường hẹp - tức là cấm cái nhà cũ, cái đường cũ của quá khứ thì đi đâu vì cả thành phố đều là đường hẹp?

Vậy thì chỉ có xây dựng thành phố mới, con đường mới. Nhưng các dự án quy hoạch khu dân cư mới, khu đô thị mới vẫn thiết kế đường sá nhỏ hẹp như trong nội đô vì mục đích tận dụng tối đa diện tích để bán, thì nay mai lại tiếp tục ùn tắc, tiếp tục cấm, tiếp tục hạn chế ... mà chẳng giải quyết được gì, chỉ làm cho dân khổ thêm!

Tại sao không qui hoạch đường cho lớn, tương xứng các thành phố lớn trong tương lai?

Chưa có kinh phí làm đường thì chỉ làm hai đường nhỏ hai bên, ở giữa bỏ trống nay mai có kinh phí xây dựng khỏi phải giải tỏa đền bù - lợi đơn lợi kép.

Theo tôi nguyên nhân sau xa nhất hiện nay (ngoài lý do tất yếu đường hẹp, xe nhiều):

1. Ý thức của người tham gia giao thông quá kém

2. Phương tiện dịch vụ giao thông công cộng kém, còn thiếu trầm trọng và bố trí chưa phù hợp với đặc thù đô thị Việt Nam.

3. Tổ chức kiểm tra kiểm soát giao thông chưa phù hợp và người thực thi pháp luật chưa nghiêm minh, nạn hối lộ còn xảy ra nhiều.

Từ 3 nguyên nhân cơ bản trên, tôi xin đề xuất các giải pháp sau:

1. Về cải thiện ý thức giao thông:

- Tổ chức đào tạo lái xe phải tổ chức học luật và học ý thức giao thông nghiêm túc thay vì cho bảng câu hỏi hướng dẫn 1 -2 lần rồi bấm máy trả lời trắc nghiệm như hiện nay.

- Phạt tiền thật nặng đối với nhưng người cố tình dừng xe lấn tuyến tại các ngã ba ngã tư, chặn mất lối đi của đường ngược chiều. Phạt thật nặng những người cố tình vượt đèn đỏ. Như vậy nếu có chậm một chút (20 - 60 giây) thì tất cả cùng chậm nhưng không bị tắc.

- Bố trí phân luồng tín hiệu rẽ trái, phải và thực hiện nghiêm túc. 

- Nhất thiết phải bố trí cảnh sát giao thông tại các giao lộ để điều khiển giao thông (ít ra cũng từ trước giờ cao điểm đến hết giờ cao điểm) và CSGT phải đứng chỗ dễ nhìn thấy để giáo dục ý thức người dân chứ không phải nấp sau bụi cây để bắt và phạt.

- Cấm tiệt đậu xe trên lòng đường phố nội đô quá 10 phút vì bất cứ lý do gì, chứ đừng nói là cho đậu thu tiền, đường đã hẹp lại còn cho đậu xe thì lấy đâu đường đi? (Cấm đậu xe không liên quan đến hạn chế phát triển và cấm vào nhà).

- Tổ chức tuyên truyền vận động "Đừng đổi vài giờ, vài ngày thậm chí cả cuộc đời chỉ để lấy vài giây vội vã vượt đèn đỏ".

2. Phương tiện dịch vụ giao thông công cộng:

- Nhà nước nên tài trợ giá vé phương tiện công cộng, để một người đi 1 ngày trong TP không vượt quá 20.000 đồng.

- Nhà nước nên đầu tư toàn bộ phương tiện công cộng. Theo tôi, do đặc thù đô thị Việt Nam, ta nên bố trí các loại xe nhỏ chạy từ bến tuyến chính về các đường nhỏ trong khu dân cư (không chạy trùng lắp các tuyến lớn)

- Bố trí phân luồng giao thông cho xe buýt chưa phù hợp. Những đường lớn 2 chiều, có dải phân cách lớn giữa đường nên ưu tiên 2 line (2 chiều) sát luồng phần cách ưu tiên cho xe buýt và bến xe buýt nên bố trí ngay giữa luồng phân cách, tránh hiện tượng xe buýt tạt ngang đầu xe máy, buộc xe máy phải tràn ra giữa đường rất dễ gây tai nạn

- Đầu tư thêm loại hình gia thông khác (xe điện, tàu điện ngầm ...)

3. Về kiểm tra kiểm soát giao thông

- Nên cấm tiệt hình thức lập trạm tùy tiện của cảnh sát giao thông, chỉ được phép lập trạm cơ động khi có thông tin cần chặn bắt đối tượng vi phạm được báo trước. Hiện tượng ở ngã ba ngã tư thì chẳng thấy CSGT đâu, nhưng trên một đoạn đường chưa đầy 1km thì lại thấy đến 2 -3 trạm cơ động (nói là trạm nhưng thực ra chỉ có một xe máy và 2 Cảnh sát, thích dừng đâu thì dừng, thích đứng đâu thì đứng tạo cho người dân ấn tượng không tốt về CSGT).

- Nên sát hạch định kỳ luật giao thông và văn hóa ứng xử đối với CSGT, hình ảnh nhảy lên cabo, đu người trên cần gạt nước, tung lưới, thọc gậy vào bánh xe để bắt xe vi phạm giao thông cho thấy CSGT Việt Nam quá thiếu chuyên nghiệp và yếu về trình độ.

Nhiều người cho rằng đấy là "dũng cảm" là "anh hùng"... nhưng tôi không nghĩ vậy. Vi phạm giao thông chỉ là vi phạm hành chính, nhưng CSGT đang hành xử như CSĐT đuổi bắt tội phạm hình sự là không phù hợp và chẳng đẹp mắt chút nào. 

Với khả năng và phương tiện kỹ thuật hiện nay, CSGT thừa khả năng để bắt và xử phat vi phạm giao thông mà không cần phải leo lên ca-bo, đu cần gạt, quăng lưới, thọc gậy bánh xe ...

Trên đây là vài ý kiến chủ quan của riêng tôi, rất mong được lãnh đạo ngành giao thông lưu tâm xem xét.

Độc giả Hoàng Thiên

(TP.HCM)