Lương thấp, cán bộ rời khu vực công
Con số 6.177 cán bộ nghỉ việc trong hơn 2 năm (1/1/2020 đến 30/6/2022) đã thực sự báo động về vấn nạn “chảy máu chất xám” từ khu vực công.
Đáng nói hơn, bên cạnh việc chảy máu chất xám, việc thu hút nhân tài, sinh viên xuất sắc tại TP.HCM cũng không mấy khả quan.
Cụ thể, từ năm 2014, thành phố có chủ trương trải thảm đỏ mời nhân tài về làm việc trong các lĩnh vực trọng điểm và áp dụng 5 năm. Suốt thời gian thực hiện, đã thu hút được 19 nhà khoa học về làm việc. Tuy nhiên, từ năm 2019-2022, có 14/19 chuyên gia đã dứt áo ra đi.
Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, TP.HCM chưa có trường hợp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút về làm việc tại các đơn vị của thành phố.
Sở Nội vụ TP.HCM từng thừa nhận, việc chảy máu chất xám, chuyên gia dứt áo ra đi là do các quy định pháp luật về chế độ, chính sách tiền lương, thu nhập hiện hành của khu vực công thấp hơn nhiều so với khu vực tư nhân.
Thực tiễn cho thấy, chính sách đãi ngộ tiền lương, tiền công ở khu vực công của TP.HCM (nói riêng) và cả nước (nói chung) vẫn chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống, chưa đủ sức tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức và các chuyên gia…an tâm làm việc, cống hiến.
Trong khi đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công đang đưa ra các chế độ đãi ngộ tiền lương hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực trình độ cao từ khu vực công.
Vì vậy, để giữ chân nhân tài, thu hút chuyên gia, nhà khoa học…vào khu vực công, TP.HCM phải có những bước thay đổi phù hợp với thực tiễn về chính sách tiền lương và các đãi ngộ khác.
“Cú hích” lương 120 triệu chỉ là bước đầu
Ngày 11/11, HĐND TP.HCM đã thống nhất thông qua chính sách trả lương trăm triệu cho những nhà lãnh đạo các tổ chức khoa học-công nghệ công lập do thành phố thành lập.
Cụ thể, mức tiền lương, tiền công theo tháng với 4 mức, là 60 triệu đồng, 80 triệu đồng, 100 triệu đồng và 120 triệu đồng tùy từng vị trí.
Đánh giá về chính sách trên, các chuyên gia cho rằng, việc trả mức lương đến 120 triệu đồng/tháng cho người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập là hợp lý. Nhưng mức lương này trên thực tế chưa đủ cạnh tranh với khu vực tư nhân.
Bởi, doanh nghiệp tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài đều trả thù lao theo hiệu quả công việc và lợi nhuận mà nhân sự mang lại cho đơn vị.
Do đó, mức lương hàng trăm triệu đồng chưa là gì đối với những nhà quản lý hàng đầu, vì khu vực tư nhân có thể trả mức lương cao hơn nhiều lần cùng với chế độ đãi ngộ khác.
Một khảo sát mới đây của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng cho thấy điều đó.
Cụ thể, mức tiền lương, tiền công, thù lao của các tổ ngoài công lập (về lĩnh vực khoa học-công nghệ) theo chức danh, trình độ và năng lực của từng cá nhân dao động từ 10 triệu đồng đến 360 triệu đồng. Trong khi ở khu vực công lập của thành phố có mức lương tương đối thấp, dao động từ 7 triệu đồng đến 55 triệu đồng.
Vì vậy, việc đề xuất mức lương 120 triệu đồng/tháng cho người đứng đầu tổ chức khoa học chưa phải là cao nếu so với thu nhập của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, nhất là ở khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, khó có thể so sánh với khu vực tư nhân khi việc trả thù lao trong các đơn vị khối nhà nước có quy chế rõ ràng và rất khó chi vượt khung.
Vì vậy, động thái HĐND TP.HCM thông qua mức chi trả hàng trăm triệu đồng (với nhà lãnh đạo tổ chức khoa học-công nghệ) so với những bất cập
về chính sách tiền lương, tiền công hiện nay là một bước tiến vượt bậc, cho thấy sự quyết tâm trong việc giữ sức hút ở lĩnh vực công.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã thông qua chính sách hỗ trợ, với mức chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức tối đa là 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ… tùy vào hiệu suất công việc.
Tuy nhiên, việc trả lương trăm triệu hay chi thu nhập tăng thêm của TP.HCM là từ cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98, chưa phải là sự chủ động tạo đột phá mới về thể chế tiền lương, tiền công.
Việc trả lương trăm triệu cũng mang tính ưu đãi bổ sung, nhằm thu hút chuyên gia, nhà khoa học cho riêng lĩnh vực khoa học-công nghệ chứ chưa phải là chính sách chung của thành phố, nên chưa thể tạo động lực cho cán bộ, công chức của thành phố ở những lĩnh vực khác.
Chính sách thu hút của thành phố không chỉ phải đáp ứng yêu cầu về sự phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo đà tăng trưởng, sức phát triển mới, mà còn phải có tính dự báo, tạo nền tảng để “đón đầu” lực lượng lao động trình độ cao đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi từng nói , thành phố đã nhận thấy cách tiếp cận hơi cũ, việc thu hút nhân tài không chỉ đáp ứng lương bổng, nhà ở mà đòi hỏi còn nhiều chế độ đãi ngộ khác hấp dẫn hơn; không chỉ vật chất mà còn tinh thần để xứng đáng với năng lực, đóng góp của trí thức, chuyên gia, nhà khoa học.
“Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu những điều này để triển khai trong thời gian tới”, ông Mãi khẳng định.
Để xóa bỏ những bật cập về chính sách tiền lương, tiền công, tiến tới cạnh tranh với khu vực tư nhân là chuyện không phải một sớm, một chiều. Nhưng động thái trả trăm triệu đồng cho nhà khoa học, cùng với những chính sách ngày càng đổi mới của thành phố có thể nhìn thấy hy vọng “về việc giữ chân và thu hút nhân tài” tại TP.HCM ngày một tốt hơn.