Sáng 10/11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.
Theo nghị quyết, từ 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 ngày 21/5/2018 của Trung ương khóa XII. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương được bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách Nhà nước.
Cùng với cải cách tiền lương, nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước của Trung ương đang thực hiện các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù thì từ 1/1/2024 đến ngày 30/6/2024, tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023.
Mức hưởng theo cơ chế đặc thù này không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024.
Nghị quyết Quốc hội nêu rõ, tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Từ 1/7/2024, tất cả cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước bãi bỏ, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn...) của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước không tiếp tục áp dụng.
Chính phủ được giao tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp 8. Quốc hội yêu cầu bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định.
Các bộ, ngành, địa phương được phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 34 ngày 13/11/2021 của Quốc hội.
Trong năm 2024 thu ngân sách Nhà nước hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Quốc hội cũng đồng ý chuyển 19.040 tỷ đồng cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư của một số địa phương sang bố trí dự toán năm 2024 để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
Với chi ngân sách, Quốc hội đồng ý trong năm 2024, chi hơn 2,1 triệu tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách ở mức 399.400 tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP); trong đó, bội chi ngân sách Trung ương 372.900 tỷ đồng (tương đương 3,4%GDP); bội chi ngân sách địa phương 26.500 tỷ đồng (tương đương 0,2%GDP). Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước 690.553 tỷ đồng.
Tại nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và chính sách khác, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế.
“Đặc biệt có giải pháp khắc phục đà suy giảm các chỉ tiêu về tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước trên GDP và tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách”. Để tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững, Chính phủ phải sớm trình Quốc hội các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế.
Đồng thời, thực hiện quyết liệt, hiệu quả giải pháp chống thất thu, chuyển giá trốn thuế; gian lận thương mại, đặc biệt trong hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số.
Trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu; triệt để tiết kiệm khoản chi thường xuyên, khoản chi chưa thực sự cần thiết để bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bổ sung vốn đầu tư phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Chính phủ chỉ đạo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước, theo yêu cầu của Quốc hội.