- “Thu nhập bình quân của giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng cao gấp 1,5 lần so với thu nhập bình quân của cán bộ TP.HCM” – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết.

Trong buổi gặp gỡ báo chí trưa ngày 14/9 nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, TS Trần Trọng Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết cuối năm 2014 thu nhập trung bình của nhân viên, viên chức hành chính nhà trường là 10,892 triệu đồng/ tháng/ người. Thu nhập trung bình của khối nghiên cứu viên và giảng viên là 14,960 triệu đồng/ tháng/ người. 

{keywords}

TS Trần Trọng Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng 

Đến tháng 8/2017, thu nhập của tất cả các đối tượng giảng viên, viên chức của nhà trường đã tăng hơn 50% so với năm 2014. Theo đó, thu nhập trung bình đạt 16 triệu đồng/ tháng/ người.

Theo ông Đạo, với mức thu nhập này, tất cả người lao động của nhà trường có thể sống tốt. Lãnh đạo trường cũng đã gặp từng viên chức, nhân viên, tạp vụ để hỏi ý kiến của họ.

“Hiện nay, một số giảng viên của chúng tôi có thể “chạy sô” bên ngoài và kiếm tiền tốt hơn nhưng họ gắn bó với trường không phải vì thu nhập cao mà do chúng tôi có văn hóa riêng. Ngoài giảng dạy, chúng tôi còn có rất nhiều việc khuyến khích giảng viên làm cho trường” - ông Đạo cho biết.

Trong khi đó, TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý và Phát triển Khoa học Công nghệ, chia sẻ rằng: “Tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chúng tôi có thể không làm giàu được nhưng chúng tôi yên tâm công tác và làm việc hết mình. Chúng tôi làm việc 10h mỗi ngày là bình thường, đa số đều làm việc 14h/ngày”. 

Ông Út cho biết, các nhà khoa được tuyển vào trường là những người có năng lực. Ngoài tiền lương trường trả, họ luôn xin được các quỹ nghiên cứu từ nước ngoài. Từ quỹ này mỗi tháng nhân viên nghiên cứu có thể tăng thu nhập thêm hơn 10 triệu đồng mỗi tháng, còn chủ nhiệm đề tài có thể tăng thêm 20 triệu đồng/ tháng.

Ông Trần Trọng Đạo cho biết thêm, quy định chung của Nhà nước là mỗi giảng viên phải dùng 30% số giờ để nghiên cứu khoa học được trường áp dụng từ năm 2007 đến năm 2011 nhưng không hiệu quả. Khi áp dụng điều này, tất cả sản phẩm nghiên cứu khoa học không có giá trị, giảng veien tìm cách đối phó để có sản phẩm. Vì vậy, năm 2011 trường ra quyết định không ép những người không có khả năng làm khoa học làm khoa học; không ép những người có chuyên môn làm khoa học phải theo giờ dạy theo quy định.

Trường phân ra nhóm giảng viên có nhiệm vụ duy nhất là giảng dạy thật tốt, nâng cao chuyên môn, cập nhật bài giảng. Giảng viên nghiên cứu có quyền đăng ký nghiên cứu khoa học và nghiên cứu giảng dạy phù hợp. Nghiên cứu viên giảng dạy 50% để truyền tải kinh nghiệm nghiên cứu cho sinh viên, còn lại “phòng lạnh” để nghiên cứu.

“Vì có sự phân tầng này nên áp lực và đối phó của giảng viên giảm mạnh. Trước đây, người cũ luôn chống lại người mới thì chúng tôi cũng loại bỏ văn hóa “cây đa, cây đề” để ai cũng có quyền chứng minh năng lực của mình”- ông Đạo cho biết.

Ông Đạo thống kê về sản phẩm nghiên cứu khoa học của trường.

Năm 2012-2013:  có 25 bài liệt kê vào danh mục các tạp chí ISI và SCOPUS, năm 20113-2014 tăng gấp đôi là 52 bài, năm 2014-2015 là 103 bài và 2015-2016 là 156 bài, trong giai đoạn từ 1/2016 đến nay số lượng công bố trên ISI tăng mạnh.

Theo ông Đạo, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng là trường duy nhất ở Việt Nam áp dụng chuẩn đầu ra môn bơi cho sinh viên.

Lê Huyền