Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí chiều 14/1, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban chính sách thực hiện BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện nay cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hằng tháng. 

Đến hết tháng 12/2024, lương hưu bình quân gần 7 triệu đồng mỗi tháng, bao gồm cả lực lượng vũ trang. Nếu tính riêng khu vực dân sự, lương hưu của người dân sẽ thấp hơn. Mức lương hưu bình quân này cao hơn thu nhập bình quân đầu người năm 2024.

Theo kết quả khảo sát sơ bộ mức sống dân cư năm 2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt khoảng 5,4 triệu đồng/người mỗi tháng, tăng 8,8% so với năm 2023.

Lương hưu liên tục được điều chỉnh, gần đây nhất, từ ngày 1/7/2024 Chính phủ về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng tăng thêm 15% lương hưu so với mức hưởng của tháng 6/2024.

IMG_02A6D395A2AF 1.jpg
Ông Đỗ Ngọc Thọ cho biết mức lương hưu bình quân 2024 đạt gần 7 triệu đồng/tháng

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong 10 năm (2013-2023), Chính phủ đã 7 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng bình quân là hơn 8,43%, tỷ lệ điều chỉnh mỗi lần đều cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong cùng giai đoạn.

Mức tăng thêm 15% từ 1/7/2024 thực tế là cao gấp 2 lần mức điều chỉnh bình quân của giai đoạn 2013-2023.

Theo BHXH Việt Nam, từ năm 1995 đến hết năm 2023, lương hưu đã được điều chỉnh 23 lần. Theo đó, lương hưu tăng từ 21 - 26 lần so với lương hưu tại thời điểm năm 1995.

Lương hưu điều chỉnh liên tục vẫn thấp, có chênh lệch lớn

Có thể thấy, dù mức lương hưu bình quân 2024 cao hơn thu nhập bình quân nhập đầu người, nhưng nhìn chung đa số vẫn hưởng lương hưu thấp.

Nhất là đối với những người về hưu trước năm 1995 dù tỷ lệ lương hưu được điều chỉnh tăng 15% từ 1/7/2024 thì mức lương vẫn thấp.

Luật BHXH 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025 sẽ tiếp tục thực hiện tăng lương hưu thỏa đáng đối với người có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm đảm bảo thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.

Tuy nhiên, ngoài những người có mức lương hưu quá thấp được điều chỉnh tăng cao như trên, thì hiện nay đa số người về hưu hưởng vẫn ở mức lương  5-6 triệu/tháng. 

Một chuyên gia lao động tiền lương cho rằng, mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có chia sẻ giữa những người tham gia. Tuy nhiên, chính sách hiện nay chưa đảm bảo được nguyên tắc "chia sẻ giữa những người tham gia BHXH".

Việc điều chỉnh lương hưu dựa trên tỷ lệ phần trăm theo tỷ lệ trượt giá được ban hành hàng năm, đối với những người có mức lương hưu cao không ảnh hưởng lớn so với thu nhập họ đang được hưởng.

Ngược lại, người đang hưởng mức lương hưu thấp được điều chỉnh tăng nhiều hơn sẽ có tác động rất tích cực với bản thân họ và cả xã hội.

“Cùng tăng lương hưu 15% nhưng vừa qua người hưởng lương cao được tăng thêm vài triệu, thậm chí có người tăng hàng chục triệu. Trong khi người có mức lương hưu thấp chỉ tăng có vài trăm ngàn. 

Sự chênh lệch này cần được tính toán theo hướng tăng tỷ lệ cao hơn cho người hưởng lương hưu thấp, tăng mức thấp cho người đang hưởng lương hưu cao. Có như vậy sẽ đảm bảo nguyên tắc chia sẻ giữa những người tham gia BHXH”, một chuyên gia lao động tiền lương nêu thực tế.