Với nhiều sinh viên (SV) mới ra trường, yếu tố học hỏi kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng được ưu tiên hơn là tiền lương. Tuy nhiên, vẫn cần chú ý đến nguyên tắc trả lương tối thiểu theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi khi xác định mức lương khởi điểm.

Theo quy định tại khoản 1, điều 90 Bộ Luật Lao động 2012, nguyên tắc trả lương cho người lao động (NLĐ) mà mọi người sử dụng cần phải bảo đảm là: "Mức lương của NLĐ không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định".

{keywords}
Mức lương của những sinh viên mới ra trường năm 2020 làm việc tại các doanh nghiệp theo hợp đồng lao động phải thấp nhất bằng 4.729.400 đồng/tháng nếu doanh nghiệp ở vùng I. Ảnh: Người Lao Động.

Trong khi đó, tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2020 áp dụng đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động tăng trung bình 5,5% so với năm 2019.

Riêng với người đã qua học nghề, đào tạo nghề (người có bằng đại học; người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp), mức lương tối thiểu phải cao hơn ít nhất 7%.

Như vậy, mức lương của những SV mới ra trường (đã có bằng đại học; cao đẳng, trung cấp) năm 2020 làm việc tại các doanh nghiệp theo hợp đồng lao động phải thấp nhất bằng: 4.729.400 đồng/tháng nếu doanh nghiệp ở vùng I (tăng 256.800 đồng/tháng so với năm 2019); 4.194.400 đồng/tháng nếu doanh nghiệp ở vùng II (tăng 224.700 đồng/tháng so với năm 2019); 3.670.100 đồng/tháng nếu doanh nghiệp ở vùng III (tăng 192.600 đồng/tháng so với năm 2019); 3.284.900 đồng/tháng nếu doanh nghiệp ở vùng IV (tăng 160.500 đồng/tháng so với năm 2019).

SV mới ra trường cần lưu ý về mức lương trên để thỏa thuận với người sử dụng lao động, bảo đảm mức lương thực tế ít nhất bằng hoặc cao hơn các mức nêu trên.

(Theo Người Lao Động)