Từ ngày 1/7, lương tối thiểu sẽ tăng 6% và mức lương tối thiểu theo giờ cũng được quy định theo vùng: vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Tại công ty CP May Hưng Việt, Hưng Yên, người lao động được nhận lương cố định cộng với lương theo sản phẩm. Thông thường số tiền người lao động nhận được cao hơn lương tối thiểu. Hết ca mỗi ngày, họ có thể tự tính được mình đã kiếm được bao nhiêu tiền.

Lương tối thiểu theo giờ không thay đổi cách tính lương tháng - Ảnh 1.

Lương tối thiểu là căn cứ để doanh nghiệp điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội cho lao động. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

"Em làm cố định. Lương chúng em có lương sản phẩm và có những khoản thu nhập cố định. Người mới vào sẽ được thử việc 1 tháng, sau đó sẽ ký hợp đồng dài hạn", chị Đỗ Thị Xoan, công ty CP May Hưng Việt, Hưng Yên, chia sẻ.

Hàng tháng, sau khi trừ hết các khoản phí bảo hiểm, công đoàn..., lao động tại đây lĩnh về từ 10 - 12 triệu đồng. Lương tối thiểu chỉ là căn cứ để doanh nghiệp điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội cho lao động.

"Chúng tôi trả theo tháng. Lương trả theo giờ không ảnh hưởng đến chúng tôi", ông Hoàng Ngọc Anh, Giám đốc Công ty CP May Hưng Việt, Hưng Yên, cho biết.

Cách tính lương tối thiểu theo giờ chỉ phù hợp với loại hình kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, siêu thị… vì làm việc thời vụ, thỏa thuận theo giờ.

Theo quy định mới, các hình thức trả lương khác nhau như theo tuần, ngày, theo sản phẩm hoặc lương khoán doanh nghiệp không cần thay đổi hình thức trả lương, mà chỉ cần quy đổi sang mức lương tháng hoặc giờ, đảm bảo không thấp hơn lương tối thiểu.

Tuy nhiên, cách tính lương tối thiểu theo giờ sẽ làm phát sinh một số vấn đề như: người lao động dễ dịch chuyển từ hưởng lương tháng, làm việc toàn thời gian sang hưởng lương theo giờ dẫn tới quan hệ lao động bị xáo trộn, khó mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội... Thậm chí một số chủ sử dụng lao động có thể lách luật để không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

(Theo VTV)