Trong tuần, diễn đàn báo VietNamNet bỗng thu hút hàng nghìn ý kiến bạn đọc về một chủ đề có vẻ xưa rồi Diễm. Đó là “Làm giám đốc bệnh viện cần là nhà quản lý giỏi hay cần phải là giáo sư”. Xuất phát từ ý kiến của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, khi bà cho rằng, xu hướng bổ nhiệm giám đốc bệnh viện sẽ không cần chú trọng vào chuyên môn mà quan trọng phải là năng lực quản trị. Người làm quản lý không cần phải là giáo sư, tiến sĩ mà phải là người quản lý giỏi.
Ý kiến thảo luận sôi nổi của diễn đàn này phản chiếu một vấn đề thật ra chưa bao giờ xưa cũ, và có lẽ sẽ còn tiếp diễn ở thực tiễn các bệnh viện. Nhưng cũng không phải chỉ ở các bệnh viện, mà ở tất cả các lĩnh vực, bởi lẽ, nó đã “chạm” đến một nút thắt rất khó giải quyết hàng mấy chục năm nay của công tác cán bộ- người quản lý có cần giỏi chuyên môn hay không?
Ý kiến của Bộ trưởng Y tế khiến người viết bài này nhớ đến câu chuyện Trung Hoa cổ xưa: Lưu Bị ba lần đến lều cỏ của Gia Cát Lượng để cầu tài.
Thật ra, sử sách cổ đại Trung Hoa viết rất khác nhau. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, sách Ngụy lược và Cửu châu xuân thu chép rằng chính Gia Cát Lượng tìm đến gặp Lưu Bị năm 207 và tự tiến cử mình với ông. Còn Tam quốc chí chép rằng theo sự tiến cử của Tư Mã Huy và Từ Thứ, vốn là những người rất được Lưu Bị tin tưởng, kính trọng mà Lưu Bị tìm đến lều tranh của Gia Cát Lượng để cầu Gia Cát Lượng ra giúp. Sau 03 lần kiên trì, Lưu Bị mới gặp và được Gia Cát Lượng nhận lời phò tá.
Chẳng biết sử sách nào đúng, sử sách nào sai, nhưng người đời hâm mộ, ấn tượng và lưu truyền hậu thế vẫn là câu chuyện 03 lần Lưu Bị đến lều tranh cầu Gia Cát Lượng giúp việc lớn. Có lẽ bởi chính người đời tâm đắc ở khía cạnh triết lý này- rằng tuy không phải người giỏi “chuyên môn”, nhiều lần thất bại trong cuộc tranh hùng- trấn áp cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng và làm quan cho triều đình, nhưng Lưu Bị lại rất giỏi trong … “quản lý” khi vời được Gia Cát Khổng Minh- một thiên tài thời đại về dưới trướng của mình.
Cũng phải nói rằng, đó là sử sách truyền lại. Cả hai- Lưu Bị và Gia Cát đều vì “nghĩa lớn” theo cách nhìn của họ với sự nghiệp chính trị của họ.
Còn thời hiện đại của nước Việt, một đất nước mà câu chuyện đường lối và tổ chức cán bộ- yếu tố quyết định- hơn 70 năm qua có vẻ như thành công trong cuộc chiến chống ngoại xâm bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc, nhưng lại chưa mấy thành công trong thời hòa bình và hội nhập. Bởi nếu thành công, đất nước đã không đến nỗi khó phát triển, có lĩnh vực thua cả Lào, Campuchia, thậm chí có thể còn sau cả… châu Phi.
Mặt khác, trong thời hiện đại này, thì “nghĩa lớn” chưa thấy đâu, nhưng “nghĩa be bé”- lợi ích riêng, lợi ích nhóm là rất phổ biến.
Vậy thì không chỉ câu chuyện bệnh viện ngành y nói riêng, mà là câu chuyện dùng người như thế nào, nhất là trong lĩnh vực quản trị của cả một quốc gia, ở tất cả lĩnh vực. Người quản lý chỉ cần có năng lực quản trị hay cần giỏi cả chuyên môn?
Nếu có cả năng lực quản trị lẫn chuyên môn thì quá tuyệt vời. Và đó là may mắn cho những người dưới “trướng” của họ- tâm phục khẩu phục. Nhưng cuộc đời và ông Trời bao giờ cũng oái oăm khi ban cho con người, Trời không bao giờ cho ai hết, được cái này mất cái kia.
Như vậy, rất có thể trong thực tế luôn diễn ra một "thắt nút" này- người có năng lực quản trị thì không giỏi chuyên môn. Và ngược lại, người giỏi chuyên môn không giỏi quản trị. Nếu có vị nào kém chuyên môn mà lại ngồi ở vị trí quản trị- đương nhiên- sẽ gặp phải sự khẩu có vẻ phục mà tâm thì không phục, thậm chí “phũ” đến mức: “Giám đốc bệnh viện không học vị: 'Lão ấy thì biết gì?' (VietnamNet, ngày 30/8). Cách đặt người tréo ngoe như thế dứt khóat có sự bất ổn, thậm chí dễ mâu thuẫn nội bộ.
Mặt khác trong xã hội ta, từ thời bao cấp, việc dùng người còn được quyết định bởi tư duy tổ chức cán bộ mang tính đặc thù. Một cán bộ có thể lãnh đạo ở bất cứ lĩnh vực nào, tùy theo sự phân công. Bởi thế mới có câu truyền khẩu hài hước “nhà thơ đi làm kinh tế…”. Khổ nỗi, kinh tế là một lĩnh vực khắc nghiệt với những bất trắc khó lường bởi hoàn cảnh, đòi hỏi có tư duy kinh tế, hiểu biết thời thế kinh doanh, đâu thể mơ mộng như tư duy và cảm xúc thi ca.
Cái thắt nút khiến sự phát triển… nghẹt thở.
Chưa kể trong thực tiễn lâu nay ở nước Việt vốn trọng cái “danh xưng” đến thành… háo danh. Để có thêm trọng lượng trên con đường tiến thân, không ít vị đổ xô đi học tiến sĩ, rồi bằng mọi con đường kiếm cái học hàm Giáo sư. Chả thế, thủ đô Hà Nội từng có một dự kiến “bất thành”- 100% cán bộ chủ chốt các cấp đều phải là thạc sĩ, tiến sĩ trong bối cảnh “tiến sĩ giấy” nhan nhản.
Nhưng sự hội nhập hiện đại của quốc gia đòi hỏi phân công xã hội ngày càng phải chuyên nghiệp hóa, từ lĩnh vực quản trị đến chuyên môn. Không thể tồn tại mãi tư duy duy ý chí, cán bộ có thể “lãnh đạo bất cứ ngành nào”. Không phải vô lý khi một cựu Bộ trưởng từng đưa ra định nghĩa: Quản lý là quản một cách hợp lý!
Hợp lý là thế nào? Là đặt người đúng vị trí, đúng chỗ. Người có năng lực quản trị phải được đặt ở vị trí quản trị, nhưng vị thế đó không thể là bất biến, mà có sàng lọc, thải loại, dịch chuyển. Gắn với sự giám sát, kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa lợi ích nhóm, bè cánh. Sự chuyên nghiệp hóa của lĩnh vực này cũng đồng thời đòi hỏi họ “hiểu “ được cơ bản và vững vàng những lĩnh vực chuyên môn dưới quyền. Nếu không, quản trị chả lẽ chỉ là đưa ra những mệnh lệnh hành chính? Có thế, họ mới hơn hẳn những người làm chuyên môn ở % trách nhiệm và những đặc quyền- đặc lợi khác.
Sự chuyên nghiệp hóa đòi hỏi cách tuyển dụng cán bộ quản trị đặc biệt phải khác trước, theo nguyên tắc công bằng, công tâm, công khai và minh bạch. Không chỉ riêng cách quản trị ở một bệnh viện của ngành y, mà bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, các ứng viên phải trình bày đề án, mô hình quản lý, vận hành cụ thể, chính sách phát triển, có bằng quản trị kinh doanh (VietNamNet, ngày 30/8) thể hiện rõ tư duy quản trị. Không thể là bổ nhiệm đúng quy trình nhưng có thể không đúng tiêu chuẩn như lời Chủ tịch Quốc hội nhận xét mới đây về một số vụ việc bổ nhiệm cán bộ khiến xã hội dị nghị.
Sự chuyên nghiệp hóa đòi hỏi những năng lực quản trị thật, giá trị thật. Không thể dựa vào những bằng cấp thật nhưng học “rởm” đầy mình để lòe thiên hạ, hiện vẫn mang tính phổ biến. Đến mức, nếu Lưu Bị có sống dậy, muốn vời được Gia Cát Lượng có lẽ cũng phải đi làm … “cái giáo sư”.
Kỳ Duyên