- Số lượng học sinh đăng ký vào các trường THPT công lập không chuyên tăng gần 10.000. Đây là áp lực rất lớn cho thành phố trong mùa tuyển sinh năm nay.

Theo số liệu công bố của Sở GD-ĐT Hà Nội, tổng số đăng ký dự thi là 79.653 thí sinh. Trong khi đó, các trường THPT công lập chỉ có 56.185 chỉ tiêu (chiếm 60-70%). Còn lại, hơn 20.000 học sinh phải học tại các trường dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp.

{keywords}
Tâm trạng của thí sinh sau bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10 Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội sáng 3/6. (Ảnh: Văn Chung).

Một số trường tốp đầu như Trường THPT Kim Liên, Trường THPT Phan Đình Phùng, Trường THPT Yên Hòa, Trường THPT Lê Quý Đôn, tỷ lệ chọi là 1:2,5-1:3. Đặc biệt, Trường THPT Chu Văn An tỉ lệ chọi lên đến hơn 1:5. Dự kiến sự cạnh tranh vào các trường thuộc hàng top của Hà Nội năm nay vẫn sẽ nóng bỏng.

Lãnh đạo ngành GD-ĐT Hà Nội cũng nhận định đây sẽ là áp lực rất lớn cho TP trong công tác tuyển sinh. 

Để vào được các trường công lập tốt, tỉ lệ chọi cao là áp lực không hề nhỏ với nhiều gia đình và học sinh

Học sinh tên Khôi, lớp 9 Trường Marie Curie chia sẻ: “Việc ôn thi với em cực kỳ vất vả. Hàng tuần em đi học thêm kín từ sáng đến 21h. Sau đó lại tiếp tục ngồi bàn học đến 24h. Nhiều lúc cũng mệt mỏi nhưng bố mẹ lại động viên do kỳ thi năm nay căng thẳng hơn các năm. Bố mẹ cũng sắp xếp riêng cho em một phòng để học, mua thiết bị chiếu sáng mới và nhiều sách vở cho em ôn luyện”.

Một học sinh khác Trường THCS Giáp Bát (Hà Nội) cho biết em đi học từ 6h sáng đến 21h30 mới về nhà. Nguyễn Văn, học sinh Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết ngay từ đầu năm lớp 9 gia đình đã tìm nhiều thầy cô tiếng để gửi em theo học. Cả ngày đi học thêm nên đến tối về nhà Văn khá mệt, xin phép bố mẹ đi ngủ sớm.

Văn cũng cho biết trong lớp của mình có bạn nữ muốn thi vào một số trường THPT chuyên và nguyện vọng 1 vào Trường THPT Thăng Long có điểm đầu vào rất cao nên bạn này đã viết đơn xin nghỉ ốm dài ngày để theo học tại các trung tâm do các thầy cô ở chính các trường chuyên dạy với mong muốn sẽ ôn tập đúng trọng tâm.


{keywords}
Tỉ lệ chọi vào các trường THPT trên địa bàn Hà Nội năm học 2015-2016 là rất cao. Trong ảnh: Thí sinh trong kỳ thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội sáng 3/6. (Ảnh: Văn Chung).

K.A, một học sinh lớp 9 Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết để thi vào các lớp chuyên Anh của Trường THPT chuyên Chu Văn An, Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm từ nhiều tháng nay em đã theo học các lớp tiếng Anh khác nhau tại các lớp được mở ở hai trường này. Ngoài ra, cậu cũng học thêm từ 4-5 buổi các môn Toán và Văn với lịch học kín mít từ sáng đến tối muộn.

Vì đặt mục tiêu cao là đỗ vào lớp 10 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hà Nội nên bạn của Kim Anh thậm chí còn miệt mài “cày” ở các trung tâm, thầy cô nhiều hơn. “Bạn ấy muốn thi vào lớp chuyên Toán nên một tuần học thêm ít nhất 3 buổi toán. Ngoài ra là 4-5 ca học các môn Văn và Ngoại ngữ” – K.A cho biết.

Cũng theo nam sinh này, để ôn luyện đạt hiệu quả gia đình người bạn của K.A còn mời thêm thầy giáo có chuyên môn đến dạy riêng cho bạn.

Phụ huynh Nguyễn Thị Lan có con đang học lớp 9 ở Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ năm nay con chị đăng ký nguyện vọng chính vào Trường THPT Hoài Đức A. Mặc dù tỉ lệ chọi ở NV1 của trường chỉ hơn 1:1 một chút nhưng chị vẫn rất lo vì đầu vào của trường năm nào cũng cao. Như năm 2014 điểm trúng tuyển đã là 49 điểm. Năm nay có thể lên 51 điểm. Ngoài học thầy cô ở trường, con chị Lan còn thường xuyên bắt xe bus lên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để theo học lớp của thầy cô ở đây mở.

Phụ huynh Thanh Hương, quận Thanh Xuân, Hà Nội tâm sự cả tháng nay vợ chồng chị đứng ngồi không yên vì lo cho con thi vào lớp 10.Chọn sinh con vào năm đẹp Canh Thìn nhưng chị Hương và nhiều phụ huynh khác giờ cứ đến dịp tuyển sinh đầu cấp là thấp thỏm lo lắng vì quá nhiều trẻ sinh cùng năm này. “Sướng chưa thấy đâu mà chỉ thấy vất vả, áp lực cho cả gia đình và con"- chị Hương cho biết.

Con của chị Hương  năm nay đăng ký nguyện vọng 1 vào THPT Yên Hòa có tỉ lệ chọi 1:3. Từ cuối năm lớp 8, chị Hương đã cho con đi học thêm Toán, tiếng Anh ở nhà thầy. Ba tháng cuối cấp, con chị phải học tăng tốc hơn, không chỉ trên lớp mà cả ở nhà. "Bản thân con cũng vô cùng áp lực, sợ thi trượt nên dù mệt vẫn cố gắng theo các lớp học thêm, làm bài ở nhà", chị Hương nói.

Một giáo viên luyện thi tại nhà cho biết, sau kỳ thi thử vào lớp 10 của THPT chuyên Ngoại ngữ (Hà Nội) đầu tháng 5, rất đông phụ huynh tìm đến để đăng ký cho con học. Lớp ôn vào 10 của thầy giáo này bắt đầu từ khá lâu do tỷ lệ chọi vào trường khá lớn. Cha mẹ càng kỳ vọng vào con, càng lo lắng hơn.

Dù con học tốt, luôn đứng nhất nhì lớp nhưng chú Tuấn, nhà ở Thợ Nhuộm (Hà Nội) có con học Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) đăng ký nguyện vọng vào Trường THPT Việt Đức cũng cho con học thêm tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ, mời thầy cô dạy riêng cho con.

Một phụ huynh khác có con học Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình) chia sẻ gần như tối nào cháu gái đang học lớp 9 cũng về nhà trong trạng thái mệt mỏi. “Cháu hết đi học thêm ở trường rồi đi học thêm ở các lớp bên ngoài nên tối về phải ngủ 1 tiếng sau mới dậy học bài tiếp. 5h30 sáng hôm nay con lại nhờ bố mẹ gọi dậy học bài”.

Trước áp lực tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ nới chỉ tiêu cho các trường thay vì siết chặt xử lý như năm ngoái. Căn cứ vào tình hình thực tế, Sở cho phép một số trường được tăng 5-10% chỉ tiêu.

Văn Chung