Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT về kết quả rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là bản dự thảo quy hoạch được hoàn thành sau khi Cục Hàng không Việt Nam; đơn vị tư vấn là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT và làm việc với các địa phương liên quan.

Sân bay quân sự Thành Sơn. Ảnh: PLO

Điểm mới nhất trong dự thảo lần này là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không kiến nghị bổ sung quy hoạch 2 cảng hàng không quốc nội, gồm Thành Sơn tại tỉnh Ninh Thuận (thời kỳ 2021- 2030: công suất 1,5 triệu lượt hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050: công suất 3 triệu lượt hành khách/năm) và Biên Hòa tại tỉnh Đồng Nai (thời kỳ 2021-2030: công suất 5 triệu lượt hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050: công suất 10 triệu lượt hành khách/năm).

Đây cũng là hai sân bay trong dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 Bộ GTVT trước đó đã không đưa vào.

Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và Thành Sơn (Ninh Thuận) được xây dựng trước năm 1975. Nhiều năm qua, hai sân bay được phục vụ cho mục đích quân sự, huấn luyện bay bảo vệ vùng trời.

Trước đó, hai tỉnh Đồng Nai và Ninh Thuận đã đề xuất quy hoạch sân bay quân sự Biên Hòa, Thành Sơn cho mục đích dân sự nhằm giúp hai địa phương phát triển kinh tế, xã hội, nhất là Ninh Thuận đang là điểm hấp dẫn với khách du lịch.

Tuy nhiên, trước đề xuất này, một số chuyên gia hàng không thời điểm đó nhấn mạnh rằng, với mỗi sân bay cần phải có nghiên cứu đầy đủ về quy mô, năng suất. Các nghiên cứu, tính toán này phải dựa trên cơ sở thực tiễn chứ không thể cứ đề xuất.

Đặc biệt, đối với hai sân bay này, các chuyên gia cũng chỉ ra bất cập là khoảng cách từ sân bay này tới sân bay kia rất gần.

Cụ thể, sân bay Long Thành cách sân bay Biên Hòa 30km, tương tự khoảng cách từ sân bay Phan Thiết đến Cam Ranh chỉ trên 190km, còn sân bay Thành Sơn nếu được xây dựng sẽ bị kẹp ở giữa…

Đủ cơ sở để đề xuất bổ sung trong đồ án quy hoạch

Tại báo cáo mới nhất của Cục Hàng không dựa trên căn cứ kết quả rà soát, nghiên cứu bổ sung của tư vấn, Cục Hàng không VN thống nhất kiến nghị bổ sung quy hoạch 2 cảng hàng không quốc nội Thành Sơn và Biên Hòa.

Điều kiện để chuyển đổi các sân bay quân sự Thành Sơn và Biên Hòa sang khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không chỉ khi thu hút được nhà đầu tư, thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết, với 2 sân bay Thành Sơn, Biên Hòa, Bộ Quốc phòng đã có các văn bản đồng thuận. Ngoài ra, đối với sân bay Biên Hòa, việc nghiên cứu quy hoạch bổ sung cảng hàng không là phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Theo đó, cả 2 cảng hàng không này đều có nhu cầu vận tải hàng không tiềm năng, có quỹ đất sạch và tận dụng được mặt bằng của sân bay quân sự hiện hữu nhằm rút ngắn thời gian xây dựng, tiết kiệm chi phí đầu tư.

Ông Đinh Việt Thắng khẳng định, với chủ trương của Chính phủ về việc nghiên cứu chuyển đổi các sân bay thành khai thác lưỡng dụng và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị, kết hợp với nội dung nghiên cứu của các cơ quan liên quan là đủ cơ sở để đề xuất bổ sung 2 cảng hàng không trong đồ án quy hoạch.

Đồ án quy hoạch nêu rõ việc đầu tư 2 Cảng Hàng không Thành Sơn và Biên Hòa sẽ phải huy động nguồn vốn ngoài ngân sách. Do vậy, Cục Hàng không VN yêu cầu đánh giá hiệu quả đầu tư khai thác dân dụng khi đưa hai sân bay Thành Sơn, Biên Hòa vào khai thác lưỡng dụng.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, căn cứ điều kiện về vị trí, khả năng bố trí hạ tầng, năng lực vùng trời, có thể xem xét phân bổ cho Cảng Hàng không Biên Hòa khai thác dân dụng ở mức 5 triệu khách/năm giai đoạn đến năm 2030 và tối đa 10 triệu khách/năm tầm nhìn đến năm 2050.

Với sân bay Thành Sơn, tỉnh Ninh Thuận có tiềm năng và dư địa lớn trong các lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải, công nghiệp năng lượng, chế biến thủy hải sản… Về du lịch, năm 2019, sản lượng khách du lịch tới Ninh Thuận là 2,35 triệu người.

UBND tỉnh Ninh Thuận đang triển khai quy hoạch tỉnh tập trung phát triển thành trung tâm du lịch của khu vực miền Trung. Với định hướng quy hoạch phát triển vượt bậc về du lịch như trên cho thấy tiềm năng về nhu cầu vận tải khách cho hàng không có thể đạt tới 1,5 triệu khách tới năm 2030 và 3-5 triệu khách tới năm 2050.

Ngoài ra, sân bay quân sự Thành Sơn có quỹ đất rất lớn, hiện khu vực phía Đông Nam quân sự chưa sử dụng, đủ để xây dựng hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay và khu hàng không phục vụ khai thác dân dụng.

Bộ Quốc phòng đã có ý kiến đồng ý bàn giao khu đất phía Đông Nam sân bay để phát triển hàng không dân dụng khi có nhu cầu.

Do đó, sân bay Ninh Thuận đủ điều kiện về nhu cầu vận tải, tận dụng quỹ đất và mặt bằng sạch có sẵn để phát triển hàng không dân dụng, từ đó tiết kiệm chi phí đầu tư so với việc xây dựng mới một cảng hàng không.