Sau khi được ghép tim lợn 2 tháng, ông David Bennett đã qua đời vào tháng 3. Ban đầu, các chuyên gia cho rằng, bệnh nhân 57 tuổi có thể đã nhiễm virus từ trái tim lợn biến đổi gen.
Tuy nhiên, mới đây, các bác sĩ đã đưa ra nhận định, ông Bennett chết vì suy tim chứ không phải do đào thải nội tạng.
Ông Bennett đã được ghép trái tim biến đổi gen vào ngày 7/1 sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép khẩn cấp vào đêm giao thừa.
Trước đó, nam bệnh nhân đã phải nằm viện 6 tuần do chứng rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng. Ông bị suy tim giai đoạn cuối và không đủ điều kiện để cấy ghép tim truyền thống.
Tiến sĩ Bartley Griffith, Giáo sư cấy ghép tại Đại học Y khoa Maryland, cho hay, ê-kíp cảm thấy được khích lệ trước sự tiến triển của bệnh nhân sau khi ghép tim.
"Trái tim của ông ấy mạnh mẽ, dường như quá mạnh so với cơ thể yếu ớt, ông ấy có một ý chí sống”, Griffith kể.
“Kết quả khám nghiệm tử thi không cho thấy bằng chứng về sự đào thải. Thay vào đó, chúng tôi thấy cơ tim dày lên và sau đó cứng lại dẫn đến suy tim tâm trương, có nghĩa là cơ tim không thể nạp đầy máu cho tim như bình thường”.
Theo NBC, tình trạng này có khả năng do tác động của một loại thuốc được dùng để ngăn chặn sự đào thải và nhiễm trùng.
Trong quả tim ghép cũng có DNA của một loại virus tên là porcine cytomegalovirus. Các chuyên gia đang tìm hiểu liệu virus có làm tổn thương tim hay không.
Trước khi cấy ghép, nhóm phẫu thuật đã tiến hành các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng và kiểm tra trái tim.
“Chúng tôi coi đây là một kinh nghiệm quan trọng. Với những gì đã biết, chúng tôi sẽ thay đổi một số phương pháp và kỹ thuật trong tương lai”, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Muhammad M. Mohiuddin chia sẻ.
Cấy ghép dị chủng từ một loài không phải người sang người đã được nghiên cứu khi nhu cầu thay thế nội tạng tăng lên. Theo FDA, mỗi ngày có 10 bệnh nhân ở Mỹ chết trong khi chờ nội tạng được hiến tặng.
Theo Trường Y Đại học Harvard, các mô của lợn và bò đã được sử dụng thành công để thay thế van. Các van thường tồn tại khoảng 15 năm và không cần sử dụng thuốc chống đông máu.
Tiến sĩ Bert W. O'Malley, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Trung tâm Y tế Đại học Maryland, cho biết: “Chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng”.
“Chúng ta vẫn còn một con đường trước mặt trước khi việc cấy ghép dị chủng trở thành chuyện hằng ngày. Nhưng cuộc phẫu thuật lịch sử này mang lại một tương lai mà nhiều người chưa bao giờ nghĩ có thể xảy ra”.