Đa số các loại rau rất giàu chất xơ, giúp ngăn ngừa lượng đường tăng đột biến. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mỗi người nên ăn hơn 400g rau mỗi ngày để cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm

Các loại rau cải, súp lơ được bác sĩ khuyến khích ăn hằng ngày. Ảnh: OHC

Ổn định đường huyết

Các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên những người mắc bệnh tiểu đường tiêu thụ nhiều rau. Họ đề xuất thay thế carbohydrate tinh chế trong chế độ ăn uống bằng thực phẩm thực vật. 

Theo Indian Express, nhiều nghiên cứu cho thấy, dùng rau trước các món khác có thể giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn. Rau lá cung cấp chất xơ hòa tan và không hòa tan, vitamin, khoáng chất. Hơn nữa, chúng còn chứa nhiều chất có lợi, bao gồm sterol thực vật, flavonoid và các chất chống oxy hóa khác, có đặc tính chống viêm. 

Với bệnh nhân tiểu đường loại 2, rau còn đóng vai trò quan trọng hơn. Hàm lượng chất xơ cao trong rau giảm bớt nguy cơ chỉ số đường huyết tăng đột biến sau bữa ăn. Rau mang lại cảm giác no hơn dù lượng calo thấp hơn so với ngũ cốc, đồng thời mang lại sự đa dạng và hương vị hấp dẫn. Tuy nhiên, không một loại rau nào có tất cả các đặc tính mong muốn, vì vậy ăn đa dạng các loại rất quan trọng. 

Những người bị tiểu đường loại 2 nên chọn những loại rau cải, súp lơ... giàu chất xơ, chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Một số chất chống oxy hóa có lợi cho người bị tiểu đường bao gồm axit alpha-lipoic (ALA) trong cải xoăn, rau chân vịt; N-acetylcystein (NAC) trong hành, tỏi; vitamin C ớt, dâu tây và bông cải xanh. Các loại rau chứa nitrat, có tác dụng làm giảm huyết áp cũng là một lựa chọn tốt như củ cải đường, rau diếp, cần tây và củ cải. 

Bạn nên ăn nhiều loại rau trái để nhận được nhiều dưỡng chất khác nhau. Ảnh: Organicfacts

Cung cấp protein, tốt cho đường ruột

Nguồn protein thực vật bao gồm đậu phụ, đậu xanh và lạc. Mặc dù rau không phải là nguồn cung cấp protein dồi dào nhưng một số loại rau lại giàu protein hơn những loại khác. Cải xoong, rau chân vịt, măng tây, bông cải xanh, súp lơ chứa từ 2 đến 4g trên 100g rau.

Hệ vi sinh vật đường ruột đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa carbohydrate, chất béo, có thể ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh lượng đường huyết. Các phân tích ghi nhận những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có hệ vi sinh vật đường ruột kém đa dạng và kém cân bằng hơn so với những người khỏe mạnh. 

Chất xơ từ các loại rau lá cung cấp thức ăn cho vi khuẩn trong ruột, giúp chúng sinh sản. Các loại rau tốt nhất cho đường ruột khỏe mạnh là rau chân vịt, đậu bắp, tỏi, hành tây, nấm, cải chíp, bắp cải và súp lơ.

Hãy đặt mục tiêu một nửa lượng thức ăn mỗi bữa là các loại rau ít tinh bột như rau chân vịt, bông cải xanh. Rau sống có nhiều chất xơ hơn rau nấu chín hoặc chế biến.