w han thuyen 596.jpeg
Từ sáng sớm, dòng người xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kéo dài hết phố Hàn Thuyên. Ảnh: N. Huyền

Độc giả có địa chỉ huongroby032@gmail.com bày tỏ chân thành:

"Cháu rất xin lỗi vì bình thường trong cuộc sống, cháu chưa hề có trách nhiệm để tâm đến mọi thứ. Nhưng lúc bác ra đi, cháu mới thấm thía được sự mất mát của nước nhà! Cháu đã mất bố khi lên 3, mất mẹ khi lên 6. Gần 40 năm qua, cháu cố gắng quên đi nỗi buồn ấy để có thể tự xây dựng cuộc sống cho bản thân mình. Nhưng lúc này đây, cháu cảm giác nỗi đau ấy lại trỗi dậy thêm một lần nữa. Nỗi đau này lớn hơn gấp triệu triệu lần bởi bác mất là nỗi đau chung của toàn thể dân tộc Việt Nam. Bác ơi, bác yên nghỉ nhé! Tự những người dân như cháu sẽ có trách nhiệm hơn với bản thân, với đồng bào và dân tộc của mình để bác nơi chín suối không còn phải canh cánh nỗi lo lắng cho đất nước!".

Bạn Nguyễn Thị Nụ ấn tượng với từng chi tiết nhỏ liên quan đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

"Mấy hôm nay khi xem đi xem lại những thước phim về bác - một người có gương mặt hiền hậu, giọng nói nhẹ nhàng ấm áp, lối sống giản dị, hình ảnh bác mặc chiếc áo khoác kẻ caro qua nhiều năm, trên giường bệnh vẫn cần mẫn chăm chỉ làm việc... cháu đã không cầm được nước mắt. Cháu cảm thấy bản thân mình quá nhỏ bé, cần cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng với những điều mà bác đã làm và cống hiến cho đất nước. Bác mãi trong tim chúng cháu".

Các bạn thanh niên thuộc Liên chi Đoàn khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng như nói hộ suy nghĩ của cả thế hệ trẻ hướng về vong linh người Tổng Bí thư đáng kính:

"Xin hứa trước anh linh bác, chúng cháu, lứa tuổi đôi mươi, đội ngũ kế cận của Đảng ta, thế hệ "tiên phong" như bác hằng mong muốn và tin yêu sẽ khắc ghi lời dạy, biến đau thương thành sức mạnh, nguyện phấn đấu hết mình vì lý tưởng cao đẹp của Đảng và nhân dân ta, xây dựng non sông gấm vóc, ngày càng nâng cao cơ đồ, tiềm lực và vị thế của nước nhà Việt Nam; nguyện xây dựng bản thân mình thật "hồng", thật "chuyên", thật mẫu mực để xứng đáng trước công ơn tiền bối".

Bạn đọc Thu Thảo hồi tưởng: "Chương trình Thời sự tối 19/7/2024, cả nhà con đã bật khóc khi BTV đưa tin bác mất. Con nhớ mãi năm 2014, bác đã về xã Thụy Văn, Thái Bình quê con thăm chính quyền xã và toàn dân đã về đích nông thôn mới đầu tiên. Hình ảnh bác giản dị gần gũi biết bao. Con xin vĩnh biệt bác". 

Đọc những dòng tâm sự của cháu Lê Khánh Linh, không thể thấy ranh giới giữa nhà lãnh đạo cấp cao với dân thường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở nên gần gũi với rất nhiều gia đình, người dân Việt Nam:

"Ông Trọng kính mến, xin phép được cho cháu gọi là ông. Bởi một phần ông ngang tuổi ông ngoại cháu, một phần là do cháu thật sự biết ơn ông vô cùng. Ông đã làm việc đến hơi thở cuối. Ông là vị lãnh đạo mà cháu cảm thấy yêu thương và quý trọng nhất, chắc bởi vì ông mang trong mình gương mặt phúc hậu, một đời sống liêm khiết và giản dị. Mỗi lần xem được hình ảnh và video liên quan đến ông, cháu đều khóc, khóc vì thương ông, khóc vì nghe tin ông mất như là cảm giác nghe tin ông ngoại cháu mất thêm một lần nữa vậy!".

w vieng tbt nguyen phu trong tphcm 11 31.jpg
Nhiều em nhỏ kiên nhẫn chờ đợi cả tiếng đồng hồ trong dòng người cùng cha mẹ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Huế

Bạn đọc ở địa chỉ bopquygdmn.dhsp@gmail.com không quên gửi lời cảm ơn đến phu nhân của Tổng Bí thư:

"Chúng cháu cũng xin được cảm ơn bác gái. Nhìn những hình ảnh hôm nay của bác, chúng cháu thật sự mến thương, cảm ơn bác gái đã là hậu phương vững chắc, để nước mình có được một vị lãnh đạo như vậy . Mong bác và đại gia đình mạnh mẽ vượt qua nỗi đau thương này".

Bạn Nguyễn Thị Mẫu Đơn đã viết rất cảm xúc: 

"Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, 1 tuần qua kể từ lúc "ngọn đèn ấy" cạn dầu và tắt lửa. Mọi thứ xung quanh từ động hay tĩnh đều mang cho mình một nỗi niềm riêng, một nỗi buồn man mác, một cảm giác nghẹn ngào khó tả. Bao nhiêu lời tiếc thương, ca ngợi công lao lúc này dành cho bác Trọng cũng không đủ. Một người đã sống hết mình vì sự nghiệp của dân tộc, đặt cái lợi ích chung trên lợi ích cá nhân. Để rồi lời hứa với bác Mận là sẽ dời cây vối về nơi ở mới chăm sóc tưởng chừng rất đơn giản ấy lại không thể thực hiện được nữa rồi...".

Đặc biệt, rất nhiều độc giả VietNamNet gửi lời viếng là những đoạn thơ, dòng thơ lục bát, thơ tứ tuyệt. Những câu thơ của bạn truonghuekv@gmail.com diễn tả tâm trạng cho nhiều người:

"Hôm nay đau thắt cõi lòng,
Khóc thương người khuất lưng tròng lệ rơi...

Một trí tuệ thật rạng ngời,
Vì dân vì nước một đời gian lao
Tâm hồn sáng những vì sao
Dân cường, nước thịnh vui nào vui hơn
Chí kia muôn dải Trường Sơn
Quyết theo gương bác đền ơn đất trời.

Thương người đi mãi người ơi...
Người đi đất nước cuối trời biệt ly!".

Bạn Nguyễn Ngọc Hưng, du học sinh ở Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) viết lời chia sẻ trong một đêm trắng:

"Chúng con - thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ hoà bình và phát triển của đất nước luôn ghi nhớ và biết ơn công lao của các bậc cha anh đã hy sinh giành được độc lập. Con cũng rất kính trọng và yêu mến các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã xây dựng một đất nước Việt Nam hoà bình, ổn định để chúng con có cơ hội học tập và giao lưu với bạn bè quốc tế. Sự ra đi của bác để lại trong con một nỗi buồn sâu sắc, ấn tượng về một nhà lãnh đạo tài ba, một vị Tổng Bí thư giản dị, liêm khiết sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí - Đài Bắc, 4 giờ 15 phút, 26/07/2024".

Độc giả Lò Phương Chinh chia sẻ rằng, chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đã dạy cho bạn bài học về lòng biết ơn:

"Trong một lần xem thời sự được nghe bác Trọng phát biểu, con đã thay đổi rất nhiều, thức tỉnh lòng biết ơn về cuộc sống hiện tại mà trước đó không hề suy nghĩ tại sao mình lại được sống trong hoà bình như ngày hôm nay? Bác cũng trạc tuổi ông ngoại con, nhìn bác rất dễ gần, lời nói ngắn gọn nghe mộc mạc không hề kiểu cách, con luôn thắc mắc tại sao bác chưa về hưu để sum vầy bên con cháu. Thì ra, bác luôn dành hết đời mình để cống hiến phụng sự cho Tổ quốc. Bác đã thực hiện lời thề "Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân" một cách trọn vẹn nhất. Bây giờ con mong bác Mận sẽ có thật nhiều sức khỏe và chứng kiến một đất nước phát triển do bác góp sức to lớn thật lâu hơn nữa".  

Độc giả Hồ Hoàng Anh (huyện Phú Tân, An Giang) trải lòng:

"Thật buồn khi bác ra đi. Con tuy chưa được gặp bác Trọng nhưng qua tivi, sách báo thấy bác Trọng là một nhân cách cao đẹp, một con người bình dị, một chiến sĩ cách mạng kiên trung hết lòng vì dân, vì nước. Công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực của bác Trọng đã làm cho Đảng vững mạnh, làm trong sạch chế độ, lấy lại uy tín của Nhà nước cùng với đó là đường lối độc lập tự chủ, "ngoại giao cây tre", sẵn sàng làm bạn với các nước. Đó là hai việc con ấn tượng nhất về bác Trọng.

w hoang hiep 99 788.jpg
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh (91 tuổi) thầy giáo dạy Tổng Bí thư năm lớp 10 tại trường Nguyễn Gia Thiều được con cháu đưa sang thôn Lại Đà viếng Tổng Bí thư. Ông Vĩnh cho biết, hay tin Tổng Bí thư mất, ông lập tức bắt chuyến bay từ Đức về Hà Nội để kịp đến thôn Lại Đà. Ảnh: Quang Phong

Thật xúc động khi biết chiến sĩ Nguyễn Hải Sơn dù đang làm nhiệm vụ ở biên cương vẫn không quên nhờ người thân đến viếng Tổng Bí thư:

"Cháu có một mong muốn là được về Thủ đô dự lễ viếng bác, nhưng không thể làm được vì ở biên giới trực 100% quân số sẵn sàng cho mọi tình huống diễn ra. Vì thế, cháu đã dặn dò em trai thay mặt gia đình nhất định phải đến viếng bác. Cháu hứa luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, một lòng trung thành với Tổ quốc, đem sức nhỏ của mình đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng, bền vững của đất nước. Bác hãy yên tâm vào thế hệ trẻ chúng cháu!".

Có rất nhiều bạn nhỏ gửi về Sổ tang điện tử báo VietNamNet những dòng tâm sự đầy cảm xúc:

"Con là Nguyễn Kim Thành, học sinh lớp 9A4, Trường THCS Giảng Võ 2.  Bác ơi, khi con biết tin vào 13h38’ ngày 19/07/2024 bác đã trút hơi thở cuối cùng, tim con lúc ấy đau nhói, tiếc thương, cảm giác hụt hẫng, nhưng cũng rất tự hào về một vị lãnh đạo Tài năng - Mẫu mực - Trung kiên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Con cảm ơn những điều bác dặn cho thế hệ trẻ chúng con :”Thanh niên có mạnh thì nước mới mạnh”.

Bác ngủ ngon bác nhé! Con hứa sẽ luôn cố gắng chăm ngoan học giỏi, mai này cống hiến hết mình cho đất nước, luôn cố gắng trau dồi học hỏi, là một công dân có ích để không phụ lòng các bậc cha ông đi trước".  

Độc giả Minh Nguyệt "khoe" với bác Trọng niềm vui của mình và cả nỗi buồn đau mất mát không gì bù đắp:

"Cháu vẫn thường xuyên theo dõi tin tức về bác. Bác đã cho cháu cũng như thế hệ trẻ thấy được tầm quan trọng của việc tạo dựng những giá trị tốt đẹp cho đời. Cháu mới đây đã nhận được kết quả đỗ học bổng đi du học thạc sĩ. Ban ngày lo thủ tục hồ sơ nhập học, ban đêm tìm xem những phóng sự về cuộc đời cao đẹp mà giản dị của bác, cháu đã khóc nhiều đến mức mắt bị viêm.

Bác đã đi về cõi vĩnh hằng, cháu mong bác được nghỉ ngơi. Thế hệ trẻ chúng cháu sẽ luôn nỗ lực cố gắng hết mình để xây dựng đất nước. Cháu sẽ cố gắng hoàn thành mục tiêu học tập và làm việc của mình, giúp ích cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Cháu sẽ đi du học, tích luỹ kiến thức cũng như kinh nghiệm, rồi trở về góp phần xây dựng và phát triển bản sắc văn hoá trong kiến trúc Việt Nam. Bác nghỉ ngơi nhé, bác hãy tin ở thế hệ trẻ chúng cháu. Cháu thương mến bác vô cùng!".

w hoang hiep 1 786.jpg
Theo thông tin từ ban tổ chức, trong ngày 25/7, có hơn 40 nghìn người đến viếng Tổng Bí thư tại quê nhà ở thôn Lại Đà. Ảnh: Hoàng Hiệp

Chứng kiến dòng người nối dài tiễn đưa Tổng Bí thư, bạn Nguyễn Trọng Khánh viết: 

"Là một người con đất Việt, sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đổi mới, chứng kiến sự chuyển mình vươn lên của đất nước, cháu rất khâm phục và kính trọng sự tận tâm phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân của bác. Ngày nghe tin bác đi xa, cháu buồn và hụt hẫng như mất đi người thân yêu của mình.

Nhìn dòng người vô tận đến viếng bác, cháu hiểu những cống hiến, vất vả vì sự bình yên, thịnh vượng cho Tổ quốc của bác được bù đắp bởi tình cảm sâu sắc của người dân cả nước, đó là món quà ân nghĩa từ nhân dân không gì sánh được. Mong bác yên nghỉ ngàn thu, phù hộ cho đất nước Việt Nam của chúng ta luôn bình yên, phát triển. Xin vĩnh biệt bác!".