TIN BÀI LIÊN QUAN:
Một máy bay của Malaysia Airlines. (Ảnh: Flickr) |
/
Báo NEWS của Australia dẫn lời các chuyên gia cho rằng, Malaysia Airlines giờ đây cần phải được chính phủ can thiệp ngay lập tức bằng một khoản đầu tư. Bên cạnh đó, hãng cũng cần tái cơ cấu một cách sâu rộng. Chiến lược này thậm chí bao gồm cả việc đổi tên hãng.
Trong nhiều năm qua, Malaysia Airlines (MAS) đã chật vật đối mặt với tình trạng giảm hành khách và tăng thua lỗ, từ trước khi chuyến bay số hiệu MH370 mất tích bí ẩn ngày 8/3 cùng với 239 người. Chưa kịp hồi phục sau mất mát quá lớn, hãng lại bị tai họa giáng trúng khi chuyến bay số hiệu MH17 bị bắn rơi ở Ukraina, giết chết toàn bộ 298 người.
"Sự thật đáng buồn với Malaysia Airlines sau vụ MH17 là chính phủ chưa có một kế hoạch lập tức nào, mỗi ngày trôi qua càng đẩy hãng tới sự tự hủy diệt và cuối cùng là sụp đổ", báo NEWS dẫn lời Shukor Yusof, một nhà phân tích thuộc hãng tư vấn hàng không Endau Analytics có trụ sở ở Malaysia.
Ông Shukor ước tính MAS đang thua lỗ "1-2 triệu USD mỗi ngày".
Viết trên báo Telegraph, ông Hugh Dunleavy - giám đốc thương mại của Malaysia Airlines - quả quyết hãng hàng không này "rốt cuộc sẽ vượt qua thảm họa và trở nên mạnh mẽ hơn".
Chính phủ Malaysia đã xem xét lại tương lai của hãng kể từ sau khi MH370 biến mất và tiến trình này càng tăng tốc sau thảm họa MH17. Nhưng liên tiếp tai họa rúng động thế giới đã khiến nhiều người ngại ngần khi đặt vé của hãng.
"Tôi sẽ không tới Malaysia trong vài năm. Không, trừ khi Malaysia Airlines làm điều gì đó trong tương lai để khách hàng bớt căng thẳng hơn", Zhang Bing, một người Trung Quốc ở Bắc Kinh bộc bạch.
Jonathan Galaviz, một thành viên tại hãng tư vấn du lịch Global Market Advisors trụ sở tại Mỹ cho rằng "nhận thức đóng vai trò chút chốt trong ngành hàng không". "Thật không may, với Malaysia Airlines, các khách hàng quốc tế tiềm năng giờ đây luôn liên tưởng nhãn hiệu này với thảm họa".
Thực tế, sau vụ MH17, Malaysia Airlines đã thông báo trả lại tiền cho những ai hủy vé và theo Galaviz, chủ trương này đã khiến hãng tổn thất hàng triệu đôla.
Thế giới đã chứng kiến nhiều hãng hàng không vươn lên thành công từ tro tàn - đó là những bài học rất hữu ích cho MAS, theo giới chuyên gia.
Garuda Indonesia từng bị ảnh hưởng bởi hàng loạt vấn đề trong thập niên 1990 và 2000, trong đó có nợ nần chồng chất và vụ án mạng nhằm vào một nhà vận động nhân quyền nổi tiếng trên máy bay năm 2004. Các vấn đề an toàn cũng làm xấu hình ảnh của hãng, trong đó có vụ tai nạn năm 1997 ở đảo Sumatra làm 234 người chết.
Nhưng sau một kế hoạch cải tổ quyết liệt, Garuda Indonesia đã được hãng tư vấn Skytrax ở London xếp hạng là hãng hàng không cải thiện nhất thế giới năm 2010.
Thanh Hảo