Malaysia đang nổi lên như một “điểm nóng” trung tâm dữ liệu toàn cầu. Quốc gia này đã thu hút hơn 16 tỷ USD cam kết đầu tư trong năm qua từ Amazon, Nvidia, Google, Microsoft và ByteDance, hầu hết dành để phát triển trung tâm dữ liệu tại bang Johor, giáp Singapore.
Tuy nhiên, trung tâm dữ liệu đòi hỏi nguồn năng lượng và nước khổng lồ để làm mát, khiến các quan chức lo ngại.
Nik Nazmi Nik Ahma, Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường bền vững, cho biết chính phủ đang chọn lọc hơn sau khi trung tâm dữ liệu bùng nổ gây áp lực lớn đến nguồn nước và năng lượng.
Thay vì cấp phép bất kỳ trung tâm dữ liệu nào, chính phủ sẽ xem xét nếu nó đi cùng AI hay công nghệ tiên tiến khác.
Ông cũng nói thêm: “Dữ liệu là dầu mỏ mới của thế kỷ 21, chúng tôi muốn là một phần của điều đó”.
Ông Nazmi hy vọng các trung tâm dữ liệu sẽ trả phí tiếp cận nguồn nước và năng lượng, nhấn mạnh nhiều hãng sẵn sàng làm như vậy để hoạt động trong nước.
Một phần nguyên nhân giúp Malaysia và Johor trở thành trung tâm dữ liệu khu vực là chi phí đất đai rẻ, lao động dồi dào, gần Singapore và thực tế Singapore tạm dừng các trung tâm dữ liệu mới từ năm 2019 đến năm 2022 do lo ngại liên quan đến tiêu thụ năng lượng.
Từ năm 2024, Malaysia bắt đầu cho phép các nhà khai thác trung tâm dữ liệu sử dụng năng lượng trực tiếp từ các nhà sản xuất năng lượng sạch, bỏ qua lưới điện.
Theo Bộ trưởng Nazmi, thay đổi sẽ giúp phát triển hệ thống năng lượng tái tạo tại địa phương do các hãng công nghệ trả tiền để được tiếp cận nguồn năng lượng sạch.
Johor hiện có 22 trung tâm dữ liệu và 8 trung tâm đang xây dựng, theo hãng nghiên cứu Baxtel. Bryan Tan, quản lý tại hãng luật Reed Smith, nhận xét tiềm năng trung tâm dữ liệu tại Johor là “khổng lồ”. Bang này đủ khả năng hỗ trợ 40 trung tâm.
Johor đang đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất điện lên 2,7 gigawatt vào năm 2027, hỗ trợ tối đa 90 trung tâm dữ liệu, theo ông Tan. Dù vậy, ông cho rằng mục tiêu chỉ có thể đạt được nếu có thêm năng lượng sạch.
Trước những lo ngại về năng lượng trên toàn cầu, các hãng công nghệ lớn tăng cường mua điện trực tiếp từ nhà cung cấp hoặc tự phát triển, đầu tư vào cả các nguồn năng lượng tái tạo truyền thống như điện gió, điện mặt trời đến điện hạt nhân.
Theo ông Nazmi, Malaysia hướng đến 70% năng lượng tái tạo vào năm 2050, tăng từ 25% hiện nay.
(Theo FT)