- Là giám đốc không tới họp lớp thì “bị” liệt vào danh sách không chơi được – nhưng xuất hiện thì các bạn nghĩ: Có bạn làm quan nên phải nhờ vả, vay mượn…
Câu chuyện được anh Quỳnh (Giám đốc công ty bảo hiểm của nhà nước, có trụ sở ở Hà Nội), Nam (chủ một doanh nghiệp kinh doanh đồ nhựa) ngán ngẩm kể lại.
Chủ doanh nghiệp kinh doanh đồ nhựa, hàng năm doanh thu anh Nam thu về đến hàng chục tỷ đồng. Do đặc thù công việc lu bu, 15 năm qua, từ khi tốt nghiệp phổ thông đến nay anh Nam chưa một lần tham gia họp lớp. Năm nay, tiếp tục được mời, mặc dù công việc rất bận nhưng không thể phụ tấm chân tình của các bạn.
Xuất hiện ở buổi họp, anh nhanh chóng trở thành tâm điểm của mọi ánh mắt ngưỡng mộ của các bạn. Các bạn đôn anh thành “đại gia” - tiền tiêu không phải nghĩ. Thế rồi, anh là trung tâm của các cuộc nói chuyện, nhiều bạn gái xúm vào hỏi han xin số điện thoại.
Anh Nam trầm ngâm nghĩ lại: "Trước đây cơ nghiệp của mình là số không, chẳng thấy bạn nào gọi điện thăm hỏi.…"
Ảnh minh họa (Ảnh: Châu Phú) |
Nhưng, cũng chính vì lòng ngưỡng mộ của các bạn, anh Nam cảm thấy bị làm phiền nhiều hơn thăm hỏi. Sau bài phát biểu của trưởng ban liên lạc lớp, tuyên bố lý do, đến phần đóng góp.
Trưởng ban liên lạc đưa gợi ý: "Sau buổi gặp mặt, lớp có thể có một chuyến du lịch xa nếu như có sự tài trợ của anh Nam". Mọi người đều hưởng ứng vỗ tay tán thành ngay. Thậm chí có bạn ghé tai nói: "Bọn tớ muốn được như cậu còn không được".
"Các bạn ấy đâu có biết, doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, sắp tới có kế hoạch vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng, chứ đâu có xông xênh như các bạn nghĩ…" - anh Nam bấm bụng.
Không chỉ dừng lại ở tài trợ, một số bạn tỏ vẻ nói chuyện thân mật, đến cuối quay sang ngỏ ý nhờ anh xin việc cho người thân của họ. Ra về, cảm xúc đọng lại của anh Nam buồn nhiều hơn vui…
Còn anh Quỳnh (giám đốc Công ty bảo hiểm, trụ sở ở Hà Nội) không ngần ngại: Mỗi lần nhắc đến việc họp lớp tôi luôn kiếm lý do để…từ chối.
Bởi theo anh, từ khi bổ nhiệm chức giám đốc, mỗi lần họp lớp anh bị một số bạn tỏ ra không tin tưởng năng lực – mà có suy đoán dùng tiền để chạy chức – đã làm tổn thương bản thân. "Trong khi đó, để đảm nhiệm chức vụ như hiện nay tôi phải phấn đấu rất nhiều mới đạt được. Đến "màn" đóng góp tôi được các bạn gợi ý: Giám đốc phải đóng riêng, không thể "đứng cùng hàng" với các bạn khác được".
Chưa hết, một số bạn còn xỏ xiên: "Sắp tới tớ có mấy vụ làm ăn, giám đốc có tiền cho vay mượn ít để làm vốn" - anh Quỳnh kể trong ngao ngán.
Sau họp lớp, anh Quỳnh cho biết cảm giác ức chế nhiều hơn. Vẫn biết là có nhiều bạn thời đi học giỏi hơn, nhưng có thể trong cuộc sống các bạn chưa có cơ hội để phát huy sở trường. “Nhưng không vì thế mà có cái nhìn lệch về nhau – như vậy cuộc gặp gỡ sẽ không có khoảng cách” – anh Quỳnh mong muốn.
Hãy chia sẻ với chúng tôi về cảm nhận buổi họp lớp đáng để nhớ và nên...quên của bạn. Bài viết gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải trên chuyên mục Giáo dục. |
Ngọc Cương