Chuyển đổi số trong nông nghiệp đang là yêu cầu cấp thiết nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của nông sản nước ta, đáp ứng các yêu cầu về thích ứng biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, hiện việc thực hiện chuyển đổi số của nông dân còn gặp nhiều khó khăn cần sự hỗ trợ từ ngành chức năng, đặc biệt là nắm bắt thông tin, kiến thức và tiếp cận các công cụ, nền tảng chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu
Ở nước ta, nông nghiệp đã được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QÐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, nước ta đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số đã trở thành yêu cầu tất yếu, khách quan đối với sự phát triển của mọi lĩnh vực và mọi quốc gia trên thế giới.
Ðặc biệt, việc thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ giúp mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho các loại nông sản của nước ta.
Tuy nhiên, các khó khăn và thách thức trong việc thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng là rất lớn, nhất là khi thu nhập của phần lớn nông dân còn thấp và bà con thiếu thông tin, kiến thức và các cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ cần thiết.
Theo anh Dương Văn Siêu, nông dân sản xuất lúa ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng và ảnh hưởng của các chi phí đầu vào tăng, hiện việc sản xuất lúa của nông dân đã có nhiều khó khăn so với trước.
Tuy nhiên, nông dân còn gặp khó, hạn chế trong việc nắm bắt thông tin về thị trường, thời tiết và các giải pháp nhằm giảm chi phí. Nông dân rất cần ngành chức năng hỗ trợ cung cấp thông tin thời tiết, thị trường và trang bị các kiến thức và phương tiện cần thiết để có thể sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin và công nghệ số phục vụ cho sản xuất đạt hiệu quả cao.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, chuyển đổi số hiện không chỉ là xu hướng tất yếu mà nó còn là yêu cầu thực tiễn đặt ra nhằm giúp nông dân cải thiện và nâng cao thu nhập, đời sống.
Thời gian qua, chuyển đổi số cũng đã được cả xã hội quan tâm nói đến rất nhiều nhưng việc thực hiện vẫn còn lúng túng và còn thiếu các nền tảng để tích hợp đầy đủ các nội dung, mục tiêu... nhằm minh bạch sản phẩm, gắn kết giữa người trực tiếp sản xuất và người tiêu dùng.
Tích cực hỗ trợ nông dân
Ðể thúc đẩy chuyển đổi số, Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp các bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan trong việc đẩy mạnh tri thức hóa nông dân. Ðồng thời, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong xây dựng, tiếp cận các công cụ, phần mềm và nền tảng chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT, các cấp các ngành chức năng đã và đang có nhiều hoạt động và chính sách hỗ trợ dành cho nông dân. T
rong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, nông nghiệp cũng đã được chọn là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên để thực hiện chuyển đổi số. Bộ NN&PTNT coi chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng.
Nhằm góp phần vào Chương trình chuyển đổi số Quốc gia và thúc đẩy chuyển đổi số ngành Nông nghiệp, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Công ty Cổ phần Thế giới công nghệ phần mềm (Worldsoft) và các đơn vị có liên quan cũng đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng nền tảng Mạng Nhà nông.
Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đã phối hợp với Worldsoft và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt nền tảng Mạng Nhà nông và tổ chức tọa đàm “Mạng Nhà nông - hành trình tri thức hóa nông dân” nhằm phổ biến nền tảng Mạng Nhà nông đến rộng rãi các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và nông dân.
Ông Nguyễn Ái Hữu - Nhà sáng lập Worldsoft, cho biết: “Mạng Nhà nông được cho ra đời xuất phát từ ý tưởng và mong muốn tạo ra “một cái mạng” mà người nông dân có thể dễ dàng sử dụng nhất và có thông tin chính thống, dành cho nhà nông. Mạng Nhà nông dễ sử dụng, bởi nó vừa nằm trên web và trên app chạy trên các điện thoại thông minh, máy tính bảng...”.
Mạng Nhà nông là môi trường số và tích hợp nhiều công cụ hệ thống giúp các HTX, nông dân, trang trại, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp quản trị sản xuất kinh doanh hiệu quả. Nó tạo ra giải pháp hỗ trợ bà con nông dân, các HTX, doanh nghiệp nông nghiệp có các công cụ để quản lý mùa vụ, cải thiện năng suất, chất lượng nông sản và nâng cao hiệu quả quản lý.
Ðồng thời, tạo không gian chia sẻ, kết nối giúp nông dân tiếp cận kịp thời kiến thức khoa học, kết nối các tổ chức tín dụng, kênh phân phối nông sản phù hợp với xu thế tiêu dùng.
Theo ông Ðỗ Minh Phương, Phó trưởng Phòng Chuyển đổi số và hợp tác quốc tế, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Mạng Nhà nông là nền tảng giống như một “sân chơi” để những người nông dân và người tham gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia cung cấp, chia sẻ thông tin với nhau và làm giàu dữ liệu trên nền tảng này. Từ đó, những người tham gia và người dùng nền tảng được hưởng lợi...”.
Mạng Nhà nông được kỳ vọng trở thành diễn đàn nông dân rộng lớn. Nền tảng mạng này được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI), giúp cho việc trao đổi thông tin một cách dễ dàng và người sử dụng cũng dễ dàng và linh hoạt tạo lập kế hoạch tài chính, báo cáo mùa vụ theo mục tiêu đề ra với sự hỗ trợ của các công cụ tiên tiến.
Ðể hỗ trợ nông dân ứng dụng nền tảng Mạng Nhà nông, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam và Worldsoft sẽ tổ chức các chương trình đào tạo tập huấn, triển khai đến các hộ nông dân, HTX và kết nối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để giúp người dùng dễ dàng tiếp cận với nền tảng mà không mất phí sử dụng. Hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp triển khai áp dụng cho các vùng nguyên liệu, mạng lưới đối tác thu mua, chế biến và phân phối sản phẩm.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)