Chiều 23/12, trong tiết trời nắng ấm, nhiều người dân từ các tỉnh, thành lân cận đổ về đền Trần (Nam Định) khấn vái để trả lễ và cầu nguyện nhân ngày mùng 1 cuối cùng của năm Nhâm Dần.
Có nhiều nhóm đi với số lượng thành viên rất đông. Đền Trần Nam Định là khu di tích thờ 14 vị vua nhà Trần cùng gia quyến và các quan lại có công với đất nước. Nhờ sự linh thiêng, di tích này thu hút đông đảo du khách thập phương về thăm nhằm tri ân công đức các vua Trần và cầu khấn những điều may mắn, tốt đẹp.
Theo quan niệm của nhiều người, sau một năm ăn nên làm ra hoặc đã đạt được ý muốn, đây là dịp lễ tạ phù hợp. Vào sau dịp Tết Nguyên đán tới, Lễ hội khai ấn đền Trần - Nam Định (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) Xuân Quý Mão 2023 được Thường trực Tỉnh ủy Nam Định cho phép tổ chức trở lại. Trước đó, sau ba năm (2020 - 2022) nơi đây phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19.
Hôm nay, do chưa phải dịp cao điểm, phía ngoài trời khách được thắp hương cắm lên lư rồi làm lễ.
Sắp những mâm lễ mua từ ngoài cổng gồm nải chuối, hoa, bánh kẹo và tiền vàng cho 3 đền trong đền Trần, anh Nguyễn Hoà (Nam Định) mong muốn công việc kinh doanh của gia đình sẽ phát đạt trong năm tới, các thành viên trong nhà mạnh khỏe, bình an.
Cũng có người cầu kỳ hơn, chuẩn bị những mâm lễ mặn với gà mổ moi, đĩa xôi gấc đỏ, trầu cau và một số loại thực phẩm khác để dâng lên lễ tạ.
Anh Tô Minh Phong (ở phố Lạc Trung, Hà Nội) sửa soạn đồ lễ từ thủ đô đến Trần để tạ ơn sau một năm bình yên của gia đình mình.
Bên trong các gian điện thờ chính, có gia đình làm lễ cầu kỳ và thuê cả thầy làm lễ.
Ngày mùng 1 tháng Chạp, đền Trần không nhiều người đi lễ so với các ngày Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy song ai tới đây cũng đều cầu khấn cho mọi điều xui xẻo không theo họ sang năm mới.
Bắt chuyến xe sáng đi từ Hà Tĩnh, anh Minh Long cùng với các bạn của mình đến đền Trần để tạ lễ và cầu may cho tháng cuối cùng năm Nhâm Dần. Anh cho biết, mùng 1 cũng như các ngày lễ anh đều đến đây bởi đền Trần rất linh thiêng và có lịch sử văn hóa lâu đời.