Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) vừa công bố tài liệu họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2020 với nhiều thông tin quan trọng.

Trái với những tín hiệu khả quan và tích cực được đưa ra trong ĐHCĐ năm trước, năm nay Vinaconex đang tính tới phương án quyết định đối với số phận một dự án bất động sản lớn, có nhiều tiềm năng ở phía Tây của Hà Nội: Splendora.

Trong tài liệu cho ĐHCĐ dự kiến được tổ chức vào ngày 29/6 tới, Vinaconex sẽ mang ra bàn thảo về việc sẽ mua hay bán lại toàn bộ cổ phần trong dự án Bắc An Khánh (Splendora). Theo ban lãnh đạo Vinaconex, cơ cấu vốn góp 50% - 50% của 2 thành viên là Vinaconex và Công ty Địa ốc Phú Long gây ra sự bất lợi về mặt thời gian trong việc triển khai dự án. Đây là một trong những lý do gây ra sự đình trệ của Dự án Khu đô thị Bắc An Khánh.

Vinaconex cũng đề cập tới tới khoản nợ hơn 3,4 ngàn tỷ của An Khánh JVC làm phát sinh chi phí tài chính rất lớn, tăng áp lực tài chính và tăng lỗ lũy kế hàng năm.

Do đó, Vinaconex đề xuất 2 phương án: chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Tổng công ty tại An Khánh JVC cho thành viên góp vốn còn lại hoặc các nhà đầu tư khác. Hai là Vinaconex đàm phán mua lại toàn bộ phần vốn góp của đối tác còn lại - Địa ốc Phú Long của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - để Vinaconex chủ động điều hành và triển khai dự án.

{keywords}
Ông Đào Ngọc Thanh, chủ tịch Vinaconex.

An Khánh JVC được thành lập từ năm 2006 và là chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Spendora) nằm tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Đây là khu đô thị rộng 265 ha nằm trên trục đường cao tốc Láng - Hòa Lạc với quy hoạch 6.440 căn hộ chung cư và 1.311 biệt thự, nhà liền kề.

Hồi đầu 2019, tại một cuộc họp trao đổi với báo chí, ông Đào Ngọc Thanh cho biết, dự án Splendora 200ha là miếng đất lớn nhất của Hà Nội mà đã có chủ sở hữu, đồng thời cũng là dự án tốt nhất của khu vực hiện tại, chỉ cần xây nhà lên và bán.

Bên cạnh đó, Vinaconex cũng trình phương án chuyển sàn niêm yết sang Sở GDCK TP.HCM (HOSE và tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành hơn 66,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15 ngàn đồng. Tiền sẽ được dùng để triển khai dự án Khu đô thị Đại lộ Hòa Bình kéo dài tại phường Hải Hòa, TP.Móng Cái, Quảng Ninh; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đông Anh; triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Resort ven biển Tuy Hòa; làm vốn đối ứng để tham gia vào dác dự án BIT, các dự án đầu tư do Tổng công ty làm chủ đầu tư...

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 23/6, chỉ số VN-Index giảm nhẹ. Vn-Index quanh ngưỡng 870 điểm. Đa số các cổ phếu blue-chips phân hóa. Cổ phiếu Coteccons (CTD) tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông dường như đã được giải quyết với việc nhóm của chủ tịch Nguyễn Bá Dương rút khỏi chức TGĐ, thay vào đó là người từ The8th và Kusto.

Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co, tăng giảm đan xen với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Với việc vượt qua vùng kháng cự gần quanh 867 điểm, chỉ số đang có cơ hội hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh hơn nằm tại 888±5 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Hoạt động chốt NAV bán niên của các quỹ có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng nhất định đến một số phiên giao dịch trong tuần tới. Ngoài ra, điểm tiêu cực trong ngắn hạn vẫn là kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết. Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp kém tích cực.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/6, VN-Index tăng 2,729 điểm lên 871,28 điểm; HNX-Index giảm 0,63 điểm xuống 114,72 điểm. Upcom-Index tăng 0,34 điểm lên 56,68 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 6,0 ngàn tỷ đồng.

V. Hà