Theo một thống kê năm 2016, Người Do Thái Mỹ là nhóm dân tộc mạnh nhất và có ảnh hưởng nhiều nhất nước Mỹ. Tổng dân số người Do Thái rất ít ỏi chỉ có 2% tổng dân số Hoa Kỳ. Nhưng 40% tỷ phú ở nước này là người Do Thái.

CafeBiz xin trân trọng giới thiệu series bài viết về "Những vĩ nhân Do Thái nổi bật". Họ là những người phần lớn đi lên từ bàn tay trắng trở thành những người nổi tiếng trên thế giới.


Nói đến mạng xã hội, hầu như không ai không biết đến Facebook, trang mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn 55,8 tỷ USD doanh thu năm 2018 và 2,2 tỷ thành viên có hoạt động hàng tháng. Tất nhiên, không ai biết đến Facebook mà lại quên người sáng lập ra chúng, tỷ phú Mark Zuckerberg.

Cuộc đời của Mark khiến nhiều người quan tâm, không phải chỉ vì anh nắm giữ mạng xã hội lớn nhất thế giới mà câu chuyện lập nghiệp của chàng tỷ phú trẻ này đã kích thích cảm hứng cho vô vàn nhà khởi nghiệp trên thế giới.

Cậu bé Do Thái mù màu đầy tài năng

Sinh ngày 14/5/1984 tại một thị trấn cũ kĩ có tên Dobbs Ferry thuộc New York. Mark Zuckerberg là con của Edward và Karwn Zuckerberg, một nha sĩ và một nhà tâm thần học gốc Do Thái. Mark Zuckerberg có ba anh, chị em là Randi, Donna và Arielle.

Dù là tỷ phú hiện tại và ông hoàng của mạng xã hội ngày nay nhưng gia đình Mark không thực sự giàu. Nơi anh sinh ra chỉ là 1 thị trấn nhỏ và cậu bé hiếu động Mark đã từng có thời gian băn khoăn về tín ngưỡng của mình trước khi thực sự tin tưởng vào đạo Do Thái.

Sinh ra đã mắc bệnh mù màu, chỉ nhìn thấy tốt nhất với màu xanh nhưng Mark lại là 1 học sinh rất giỏi. Năm 12 tuổi, Mark Zuckerberg đã phát triển được một phần mềm nhắn tin có tên Zucknet sử dụng Atari BASIC. Anh cũng lập trình một trò chơi máy tính cho bạn bè của mình khi còn rất nhỏ.

Mark Zuckerberg: Ông hoàng Do Thái mù màu sáng lập nên mạng xã hội Facebook - Ảnh 2.

Khi theo học tại ngôi trường danh tiếng Phillips Exeter Academy ở New Hampshire, Mark Zuckerberg phát triển một nền tảng streaming âm nhạc mà cả AOL và Microsoft đều tỏ ra quan tâm. Thế nhưng, Mark từ chối cả lời mời làm việc cũng như thâu tóm của các ông lớn này. Tại đây, Mark cũng đoạt các giải thưởng trong cuộc thi toán, vật lý, khoa học.

Bản thân anh đến tuổi thiếu niên đã sử dụng được 3 thứ tiếng là Pháp, Hebrew và tiếng Hy Lạp cổ. Mark Zuckerberg không phải một kẻ suốt ngày ngồi ôm máy tính. Anh rất thích đọc các tác phẩm văn học kinh điển và là đội trưởng đội đấu kiếm trường trung học.

"Rủi ro lớn nhất của đời bạn là chẳng chịu mạo hiểm đối đầu bất kỳ rủi ro nào"- Mark Zuckerberg.

Ngay sau khi nhập học Đại học Harvard vào năm 2012, Mark đã được nhiều người biết đến là một lập trình viên tài năng. Sản phẩm đầu tiên của anh là "Face Mash", một ứng dụng bình chọn độ "hot" của các sinh viên từ những bức ảnh của bạn học mà anh "hack" được trong tệp tin quản lý thông tin ký túc của nhà trường. Face Mash nhanh chóng nhận được 22.000 lượt xem từ 450 người ngay trong bốn giờ đầu tiên được tung ra.

Tuy nhiên ban quản lý trường Havard nhanh chóng yêu cầu ứng dụng này được gỡ xuống vì lý do bảo mật và bản quyền. Bản thân Mark đối mặt với cáo buộc xâm phạm quyền riêng tư cũng như nội quy an ninh của nhà trường và đối mặt nguy cơ bị đuổi học. May mắn thay các cáo buộc này đã bị hủy bỏ.

Bất chấp điều đó Mark vẫn xây dựng lên trang mạng xã hội "The Facebook" trong trường học vào năm 2004 với ý tưởng ban đầu chỉ là kết nối các học sinh và cựu học sinh trong trường lại với nhau cho dễ giao lưu. Tuy nhiên chỉ 6 ngày sau khi trang mạng này được giới thiệu với các sinh viên Harvard, 3 cựu sinh viên của trường đã kiện Mark vì cho rằng đã đánh cắp ý tưởng của họ.

Vụ kiện này kéo dài dai dẳng cho đến tận năm 2008 khi cả 3 người chấp nhận được bồi thường bằng cổ phiếu của Facebook.

 
 
 
 

Con đường phát triển của vua mạng xã hội

Quay trở lại câu chuyện của Mark, trong tháng đầu tiên, mạng xã hội Facebook chỉ giới hạn là các sinh viên trường Harvard nhưng sự bùng nổ nhanh chóng đã khiến Mark thay đổi ý nghĩ. Sau khi hơn 1 nửa số sinh viên Harvard đăng ký sử dụng Facebook, Mark quyết định mở rộng sản phẩm này ra hàng loạt các trường đại học khác như Columbia, New York, Yale…

Với sự phát triển nhanh chóng, các đơn hàng quảng cáo dần xuất hiện nhiều hơn trong khi Facebook bắt đầu bộc lộ những điểm yếu khi ngày càng nhiều người dùng đòi hỏi những chức năng mới. Kể từ đây, Mark suy nghĩ nghiêm túc về việc kinh doanh và cuối cùng học tập tỷ phú Bill Gates của Microsoft là bỏ học Harvard, ngôi trường danh giá nhất hành tinh.

Tháng 6/2004, Mark đặt trụ sở của Facebook tại 1 văn phòng nhỏ ở Palo Alto, bang California. Tại thời điểm này, Facebook chỉ là 1 nhóm nhỏ những người cùng chung đam mê với khoản lợi nhuận quảng cáo chẳng đáng là bao. Hầu hết những người trong nhóm coi nhau như gia đình và văn phòng trở thành nhà thứ 2 của nhiều người.

Đánh hơi thấy được tiềm năng của Facebook, tỷ phú Peter Thiel, CEO của Paypal và Elon Musk, nhà sáng lập Tesla sau này đã đầu tư 500.000 USD cho Mark. Đến năm 2005, khoản viện trợ lên đến 13,7 triệu USD khi Facebook bắt đầu tăng trưởng nóng. Đến năm 2006 khi trang mạng xã hội này cho ra chức năng New Feed, cho phép người dùng theo dõi hoạt động của bạn bè thời gian thực thì Facebook bắt đầu con đường bùng nổ không giới hạn của mình.

Trong giai đoạn này, Facebook trở thành một thế lực non trẻ của làng công nghệ với lượng người dùng tăng nhanh hàng ngày. Dẫu vậy Mark không có kinh nghiệm quản lý một công ty công nghệ đang trong đà tăng trưởng nóng như vậy và anh quyết định tìm người có chuyên môn để giúp đỡ.

Năm 2007, Mark mời được quản lý Sheryl Sanberg của Google về làm CEO cho Facebook, mở ra 1 chương mới cho công ty khi chuyển từ 1 dự án mang tính đam mê sang lĩnh vực kinh doanh chuyên nghiệp.

Bước sang năm 2009, Facebook dần chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, nhất là khi smartphone bùng nổ khiến người dùng mạng xã hội trên điện thoại tăng mạnh. Mỗi tháng bình quân có khoảng 1.000 tỷ lượt truy cập cho Facebook đã khiến số doanh thu quảng cáo cho trang mạng xã hội này tăng chóng mặt. Trụ sở chính của công ty cũng được chuyển đến cơ sở mới khang trang hơn.

Mark Zuckerberg: Ông hoàng Do Thái mù màu sáng lập nên mạng xã hội Facebook - Ảnh 5.

Năm 2010, lần đầu tiên Mark được vinh danh trên tạp chí Time khi được coi là 1 trong những nhà khởi nghiệp có ảnh hướng lớn đến xã hội. Kể từ đây, hàng loạt chính trị gia và những người nổi tiếng tham gia Facebook cũng như có những buổi tiếp xúc thân mật với trang mạng xã hội dần vươn lên vị trí số 1 thế giới này.

Dần dần, Facebook đã trở thành ông lớn trong làng công nghệ khi thâu tóm hàng loạt những startup nhỏ con hơn như Instagram, Whatsapp. Trang mạng này cũng trở thành tiêu điểm của công chúng khi được cho là đã tác động tới cuộc bầu cử Mỹ, làm lộ thông tin khách hàng cho bên thứ 3 hoặc trở thành một yếu tố tác động lớn đến cộng đồng, dư luận.

Sức hút đến từ nhân cách

Bất chấp những rắc rối mà Facebook gặp phải thời gian gần đây, nhân cách của Mark mới là điều khiến rất nhiều người nể phục. Dù trở thành tỷ phú với khối tài sản hàng tỷ USD, Mark vẫn dùng những chiếc xe cũ, đeo đồng hồ bình thường, dùng điện thoại rẻ tiền và mặc cực kỳ đơn giản.

Ngay cả người vợ hiện tại của anh cũng là tình yêu từ thời đại học chứ chẳng phải chân dài hay ngôi sao nào cả. Cuộc sống của Mark chỉ đơn giản là theo đuổi đam mê, làm việc mình thích và mặc kệ những gì mọi người bàn tán.

"Mọi người chẳng quan tâm đến bạn nói gì đâu. Họ chỉ nhìn xem bạn đã gây dựng nên những gì"- Mark Zuckerberg.

Tất nhiên, chuyện anh bị mù màu là nguyên nhân của những bộ quần áo xám cùng màu mặc thay phiên hay chuyện Facebook có màu xanh lam nhưng không thể phủ nhận chuyện Mark không nặng nề vấn đề chưng diện hay những sở thích ngông cuồng của giới nhà giàu.

Bên cạnh đó, vợ chồng Mark cũng tích cực tham gia hoạt động từ thiện với hàng loạt những đợt quyên góp cho các dự án nhân đạo. Năm 2014, vợ chồng Mark đứng vị trí số 1 thế giới về số tiền quyên góp với gần 1 tỷ USd quyên tặng cho các dự án nhân đạo.

Năm 2015, thậm chí cặp vợ chồng này còn quyết định đầu tư 99% cổ phần, tương đương 45 tỷ USD theo tỷ giá khi đó để làm từ thiện.

Có thể nói, giàu có và nổi tiếng không phải những yếu tố chính khiến Mark Zuckerberg nhận được cái nhìn thân thiện của mọi người. Chính quá trình lập nghiệp vượt khó và 1 cuộc sống giản dị dù ở đỉnh cao vinh quang cùng tinh thần trách nhiệm với xã hội đã giúp Mark nhận được sự kính trọng của cả giới khởi nghiệp lẫn những người khác.

Mark Zuckerberg: Ông hoàng Do Thái mù màu sáng lập nên mạng xã hội Facebook - Ảnh 7.