Mở cửa phiên giao dịch sáng 4/1, công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá bán vàng miếng khu vực Hà Nội ở mức 56,92 triệu/lượng. Giá Vàng Rồng Thăng Long giao dịch quanh mức 55,33 – 56,08 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Chị Trang cho biết rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ thương vụ đầu tư vàng của mình |
Đà tăng giá vàng trở lại đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, chị Thu Trang (Nam Định) chia sẻ bản thân và gia đình đã trải qua quãng thời gian gần nửa năm “mất ăn mất ngủ” khi lướt sóng vàng bằng tiền vay ngân hàng.
Bà mẹ sinh năm 1988 cho biết đầu tháng 8/2020 có vay ngân hàng số tiền 300 triệu đồng kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 8,75% trong 18 tháng đầu.
Trong một nửa số tiền vay chị đầu tư vào BĐS, một nửa còn lại theo kế hoạch ban đầu sẽ tiếp tục đầu tư vào BĐS với người thân. Nhưng kế hoạch này không thực hiện được, tiếc số vốn 150 triệu đồng đã vay mà không biết làm gì, chị dồn thêm tiền tiết kiệm để đầu tư vào vàng với hy vọng “lướt sóng” trong thời gian ngắn kiếm lời.
Sau thời điểm giá vàng SJC tăng sốc qua mốc 62 triệu đồng/lượng vào ngày 7/8. Chị bắt đầu giải ngân số tiền của mình đã vay vào vàng, đợt đầu chị mua 1,7 lượng vàng Rồng Thăng Long với mức giá 55,71 triệu đồng/lượng, lần tiếp theo chị tiếp tục mua 1,75 lượng vàng Rồng Thăng Long với mức giá 54,28 triệu đồng/lượng. Chị chia sẻ, thời điểm đó, giới chuyên gia liên tục đưa ra những dự đoán cho rằng giá vàng sẽ lên 75 thậm chí 80 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, sự háo hức của chị nhanh chóng biến mất khi giá vàng liên tục điều chỉnh giảm ở thời gian sau đó. Thậm chí có thời điểm nhãn hiệu vàng chị đã đầu tư được cửa hàng mua vào dưới mức 52 triệu đồng/lượng.
Từ hy vọng có lãi với khoản đầu tư của mình, lúc này chị chỉ hy vọng hòa vốn. Nhưng suốt thời gian dài, chị đã “mất ăn, mất ngủ” với khoản đầu tư của mình bởi số vàng chị nắm quá ít so với tốc độ sinh lãi của số tiền vay ngân hàng.
Chị Trang cho biết phải đến những ngày cuối cùng của năm 2020, giá vàng trong nước mới tăng mạnh trở lại sát mốc giá mà chị đã đầu tư từ tháng 8. Chỉ 2 ngày trước khi kết thúc năm 2020, khi giá vàng Rồng Thăng Long được nhà vàng mua vào ở mức 54,71 triệu đồng/lượng chị đã quyết định bán hết số vàng mình đã đầu tư.
Vàng vẫn là kênh đầu tư được nhiều người có tiền nhàn rỗi lựa chọn |
Bà mẹ quê Nam Định chia sẻ ngoài khoản lỗ gần 1 triệu đồng so với giá mua vào chị còn chịu lỗ thêm hơn 6 triệu đồng trả lãi vay ngân hàng nữa. Không muốn tiếp tục lấy tiền công đi làm trả lãi vay ngân hàng, nên ngay sau khi bán vàng, chị chấp nhận chịu phạt thêm số tiền 7 triệu đồng để tất toán trước thời hạn số tiền đã vay.
Theo dự báo của các chuyên gia, tổ chức đầu tư vàng lớn, giá kim quý được kỳ vọng sẽ dao động ở mức 1.950-2.000 USD/ounce trong quý II và III năm nay, sau đó sẽ tăng lên tới 2.100 USD/ounce và có thể chạm mốc 2.250 USD/ounce vào cuối năm 2021. Do đó, vàng vẫn được xem là kênh đầu tư tiềm năng với những người có tiền nhàn rỗi.
Tuy nhiên, chị Trang cho rằng với những người vay ngân hàng để đầu tư vào vàng ẩn chứa rất nhiều rủi ro bởi giá vàng biến động rất khó lường. Bên cạnh đó, giá chênh lệch mua vào – bán ra của các nhà vàng trong nước đang có khoảng cách khá lớn từ 500.000 đến 700.000đ/lượng.
Ở những thời điểm giao dịch nhộn nhịp, nhà vàng có thể đẩy chênh lệch lên 3 thậm chí là 4 triệu đồng khiến những người đầu tư tay ngang, nắm ít thông tin, giữ số lượng vàng ít như chị rất khó có thể sinh lời.
Theo ông Đinh Tùng Lâm – Viện Thực hành Đầu tư tài chính Da Vinci, sau khoảng thời gian giá vàng đi ngang thì đây là lúc vàng sẽ tiếp tục tăng giá. Dự kiến trong vòng 3 tháng tới vàng sẽ đạt mức 2.200 USD/ounce, tương đương khoảng 63-65 triệu đồng/lượng.
Dù vậy ông cũng lưu ý rằng: “Nhà đầu tư cần thận trọng do diễn biến sắp tới sẽ rất nhanh, biến động giá cũng sẽ rất mạnh. Không cẩn thận sẽ bị thua lỗ giống như đợt tháng 8/2020 khi giá vàng bất ngờ vọt lên 62,2 triệu đồng/lượng rồi lại xuống mốc 49 triệu đồng/lượng chỉ trong vài ngày và lên lại 55 triệu đồng/lượng chỉ sau 2 ngày”.
(Theo Dân Việt)