Mặc dù không chính thức thừa nhận và cũng không muốn đề cập đến, song trên thực tế họ không ngần ngại áp dụng các biện pháp không được coi là chính thống như lật đổ, ám sát...
Một số nước thậm chí ban hành các sắc lệnh, chỉ thị mật, trong đó thể chế hóa các “hành động mật” cũng như cơ chế tiến hành, đặt cơ sở để các cơ quan tình báo của họ tiến hành các hoạt động ngầm đối với các nước khác, bao gồm cả việc lật đổ.
Hoạt động lật đổ của tình báo nước ngoài thường được tiến hành thông qua các hình thức sau.
Một là, tiến hành lật đổ thông qua đảo chính, gồm: Trực tiếp vạch kế hoạch, chỉ huy đảo chính; Mua chuộc, lôi kéo tay sai, bí mật vạch kế hoạch hỗ trợ tay sai tiến hành đảo chính; Phái khiển tình báo hành động tham gia đảo chính, thường dưới các bình phong công khai như nhân viên sứ quán, thành viên các phái đoàn viện trợ hoặc phi chính phủ.
Âm mưu lật đổ chính phủ Sukarno ở Indonesia, chính phủ Patricia Lumumba ở Zair, chính phủ của Mặt trận Giải phóng Dân tộc Sandino tại Nicaragua.. là những minh chứng điển hình nhất của hình thức hoạt động này.
Phương thức tiến hành lật đổ thông qua đảo chính thường được CIA tiến hành. Ảnh: AP |
Hai là, tiến hành lật đổ thông qua xâm nhập về quân sự: Tình báo các nước thường tổ chức lực lượng đánh thuê hoặc sử dụng các đơn vị tác chiến đặc nhiệm của mình, phối hợp với quân chính quy tiến hành đột kích bất ngờ xâm nhập nước khác và lật đổ chính phủ nước đó. Điển hình là sự kiện “Vịnh Con lợn” năm 1961, các vụ việc ở Grenada năm 1979, ở Panama năm 1981..
Ba là, tiến hành lật đổ thông qua “Diễn biến hoà bình”, từng được áp dụng để xoá bỏ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, và hiện nay được sử dụng triệt để trong việc lật đổ các chế độ không đồng quan điểm hoặc là "đối thủ tiềm tàng" có thể gây nguy hại cho “lợi ích” của họ.
Các thủ đoạn thường dùng gồm: Dùng chiêu bài kinh tế để làm mồi nhử, mặt khác dùng sức mạnh kinh tế để gây sức ép, buộc các nước phải nhượng bộ về chính trị hoặc gây cho các nước những tổn hại, khó khăn về kinh tế.
Lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ, ủng hộ các phần tử chống đối, can thiệp vào công việc nội bộ, gây tâm lí hoang mang trong dân chúng nhằm lật đổ chính quyền nước khác từ bên trong. Lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng để tiến hành chiến tranh tâm lí, khuếch trương những sai lầm, khó khăn của nước khác, phao tin đồn nhảm để đánh lừa và làm mê hoặc lòng người, lôi kéo họ theo hệ tư tưởng phương Tây.
Chi tiền cho các phong trào đối lập tiến hành các biện pháp chống đối chính quyền, giúp các đảng phái đối lập thực hiện cuộc “cách mạng nhung” để lập ra chính quyền mới thân phương Tây.
Những sự kiện diễn ra những năm gần đây tại Nam Tư, Grudia, Libya, Venezuela, Nga.. là những bằng chứng rõ nhất nhất về sự can dự thô bạo và đấu tranh sống còn của tình báo nước ngoài ở những nước có liên quan đến “lợi ích” của họ.
Phương thức gây bạo loạn thường được sử dụng bởi các cơ quan tình báo. Ảnh: AP |
Ngoài các hoạt động lật đổ, tình báo một số nước cũng không ngần ngại sử dụng biện pháp ám sát để thực hiện mục tiêu chính trị. Đối tượng ám sát thường là các chính trị gia, các tướng lĩnh quân đội, các doanh nhân, trí thức, văn nghệ sĩ... có liên quan đến các vấn đề chính trị.
Mục đích là tạo ra sự hoảng loạn cho đối phương, tạo ra những vụ bê bối chính trị dẫn đến tình hình bất ổn trong chính sách đối nội, đối ngoại của nước khác theo hướng có lợi cho ý đồ chính trị của họ. Cách thức tiến hành rất đa dạng, từ dùng súng, đánh bom (kể cả đánh bom cảm tử), vũ khí lạnh, thuốc độc, các vụ “tai nạn”... cho đến mượn tay các phần tử, tổ chức đối lập, các nhóm khủng bố.
Cùng với thời gian, một số thủ đoạn hoạt động đặc biệt của tình báo có thể thay đổi về tần số, cách thức cụ thể tiến hành, song không hề mất đi. Đấu tranh phòng, chống các thủ đoạn hoạt động này vì thế vẫn không kém phần cấp thiết và phức tạp.
Nguyên Phong