Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa công bố tài liệu chuẩn bị cho ĐHĐCĐ thường niên sẽ diễn ra vào ngày 25/4/2023 tại Hà Nội.
Tại tài liệu này, một thông tin đáng chú ý được nhắc đến là việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại; định hướng tìm kiếm, tham gia, triển khai các cơ hội sáp nhập/hợp nhất, cơ cấu lại/hỗ trợ tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng phù hợp chủ trương của Nhà nước.
MBBank chưa công bố chính thức sẽ nhận chuyển giao ngân hàng nào.
Từ lâu thị trường đã cộng dồn các dữ liệu để dự đoán MBBank sẽ tiếp nhận việc chuyển giao bắt buộc với Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank).
Tháng 5/2022, OceanBank đã công bố việc ký thoả thuận nguyên tắc về hợp tác toàn diện với MBBank. Đây được xem là bước đệm chuẩn bị cho đề án tái cơ cấu OceanBank chính thức được chấp nhận.
Tháng 2/2023, OceanBank cùng Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB (MB Ageas Life), Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC) chính thức triển khai chương trình hợp tác kinh doanh bảo hiểm đợt 2. Đồng thời tiến tới triển khai hoạt động này trên toàn hệ thống OceanBank trong năm 2023.
Ngoài ra, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 của OceanBank, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MBBank và ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban Điều hành, Giám đốc khối CIB Ngân hàng MB đều tham dự.
Một vấn đề quan trọng khác là lãnh đạo MBBank đang tìm kiếm đối tác liên doanh, nhận chuyển nhượng một phần vốn của MBBank tại MBCambodia và định hướng tổ chức, hoạt động kinh doanh của MBCambodia giai đoạn tiếp theo.
Chi nhánh của MBbank tại Campuchia đã được chuyển đổi thành Ngân hàng Đại chúng TNHH MB Campuchia (MBCambodia) do MB sở hữu 100% vốn điều lệ, đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 02/01, với định hướng tập trung kinh doanh số, bán lẻ.
Trong năm 2022, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng đạt 20.318 tỷ đồng, gấp 1,4 lần 2021 và vượt 17,4% so với kế hoạch. Các chỉ tiêu quy mô chính như huy động, tín dụng đứng đầu nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần.
Huy động vốn cuối năm 2022 đạt 517.209 tỷ (tăng 17%). Trong đó, quy mô tiền gửi không kì hạn (CASA) đạt 180.873 tỷ đồng, riêng CASA khách hàng cá nhân tăng trưởng 9%. Tỷ lệ CASA có thời điểm đạt 34,8%, top đầu hệ thống.
Năm 2023, MBbank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14% lên 930.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 20% lên hơn 54.000 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 15%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế tăng 15% đạt 26.100 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán, tổng thù lao cho 10 thành viên HĐQQT là 14,40 tỷ đồng (tăng 1,6 tỷ đồng so với năm 2021).
Chủ tịch HĐQT Lê Hữu Đức nhận mức lương 2,534 tỷ đồng. Phó Chủ tịch HĐQT Vũ Thị Hải Phượng nhận thù lao 2,510 tỷ đồng. Các thành viên HĐQT khác, bà Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Thị Thuỷ nhận 2,336 tỷ đồng/người, ông Lê Viết Hải (1,956 tỷ đồng).
Lương của thành viên HĐQT độc lập, ông Trần Trung Tín (592 triệu đồng), 4 người còn lại thông qua doanh nghiệp cử người đại diện là 2,140 tỷ đồng.
Tổng thù lao của Tổng Giám đốc và 11 người quản lý khác là 26,557 tỷ đồng (tăng 5 tỷ đồng so với năm 2021).