Hai năm nóng câu chuyện sáp nhập

Câu chuyện về sáp nhập ngân hàng vài năm gần đây nóng lên khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chủ trương cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), gắn liền với xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, lành mạnh hoạt động ngân hàng.

Đầu năm 2021, giới đầu tư xôn xao với tin đồn Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank - MSB) nơi ông Trần Anh Tuấn làm chủ tịch, thâu tóm Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank).

Câu chuyện nói trên được đề cập trong bối cảnh PGBank là một ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ nhất trong hệ thống và cổ đông lớn Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex (nắm giữ 40% cổ phần) đã tính thoái vốn từ nhiều năm nay.

Ngân hàng MSB trong khi đó cho vay nhiều dự án bất động sản từ trong Nam ra ngoài Bắc và có nhu cầu mở rộng phát triển hơn nữa. 

Một doanh nghiệp cũng được nhiều người nhắc đến khi đề cập tới Ngân hàng MSB là TNG Holdings. Đây là doanh nghiệp bất động sản có hàng chục dự án lớn trên khắp cả nước. TNG Holdings Vietnam là một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam. Tiền thân là VID Group - phát triển cả chục khu công nghiệp với tổng diện tích hàng nghìn hecta trên toàn quốc. Năm 2007, TNG Holdings mở rộng lĩnh vực sang đầu tư tài chính, trở thành đối tác của Maritime Bank (MSB).

Vợ chồng ông Trần Anh Tuấn (chủ tịch Ngân hàng MSB) và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (chủ tịch TNG Holdings). (Ảnh: ĐBND)

Chủ tịch của TNG Holdings là nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường, vợ của Chủ tịch Ngân hàng MSB Trần Anh Tuấn.

MSB có mặt trong rất nhiều thương vụ mà TNG Holdings triển khai, như một loạt các dự án với thương hiệu bất động sản TNR Grand, Star…

Tại thời điểm cuối năm 2022, MSB dành gần 10,4 nghìn tỷ đồng cho kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng, chiếm 8,7% tổng dư nợ, giảm so với mức hơn 12,1 nghìn tỷ đồng tính tới cuối năm 2021 (11,9% tổng dư nợ). 

Ngân hàng MSB từng là cổ đông lớn của PGBank. (Ảnh: 24Money)
Năm 2007 TNG Holdings mở rộng lĩnh vực sang đầu tư tài chính và trở thành đối tác của Maritime Bank (MSB)

Tin đồn MSB thâu tóm PGBank được nhắc tới trong 2 năm qua trong bối cảnh nhiều "người nhà MSB" sang nắm các chức vụ cao tại PGBank. Cho dù lãnh đạo của ngân hàng nói việc dịch chuyển nhân sự là do cá nhân hết thời gian làm việc tự lựa chọn, không liên quan đến có hay không việc sáp nhập. Song cũng không dập tắt được những suy đoán.

Tháng 11/2020, ông Nguyễn Phi Hùng - nguyên Phó Tổng Giám đốc MSB cũng được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc của PG Bank và hiện nay là Tổng Giám đốc của ngân hàng này.

Tháng 04/2021, ông Nilesh Banglorewala, cựu Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng của MSB là thành viên Hội đồng Quản trị của PGBank. Ông Oliver Schwarzhaupt, cựu Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản lý Rủi ro của MSB cũng làm thành viên Hội đồng quản trị của PGBank từ 4/2022… MSB từng được biết đến là cổ đông lớn của PGBank từ năm 2018.

Trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của MSB là gần 18,8%, một con số cao so với trung bình toàn thị trường. Trước đó, tín dụng của MSB còn tăng mạnh hơn. Điều này có nghĩa là tín dụng tại MSB đã tăng nóng.

Trong khi đó, PGBank còn rất nhiều dư địa cho tín dụng tăng trưởng. Trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của PGBank chỉ tăng 5,6%. Các năm trước mức tăng cũng khá thấp.

Bên cạnh đó, PGBank còn hấp dẫn ở chỗ là ngân hàng có quy mô tài sản, nguồn vốn thấp nhất hệ thống. Với vốn hóa chỉ khoảng 5.300 tỷ đồng, nhóm nhà đầu tư có thể tham gia đấu giá 40% vốn mà Petrolimex để lại với số vốn không quá lớn để chi phối nhà băng có quy mô tài sản khoảng 1,6 tỷ USD.

Sắp tới, Petrolimex sẽ đấu giá công khai toàn bộ 40% cổ phần của PGBank mà tập đoàn này đang nắm giữ. Giá khởi điểm là 21.300 đồng, tương đương giá trị chào bán ở mức 2.556 tỷ đồng.

Ngày 30/3, MSB của Chủ tịch Trần Anh Tuấn đã công bố tài liệu chuẩn bị Đại hội đồng cổ đông, theo đó sẽ xin ý kiến cổ đông về việc nhận sáp nhập một TCTD là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam với các tiêu chí về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.

Lãnh đạo MSB cũng đã đề cập tới cái tên PGBank.

Ở chiều ngược lại, Chủ tịch PGBank Nguyễn Quang Định thẳng thắn tuyên bố, PGBank chưa có kế hoạch sáp nhập. Nội dung này không có trong tài liệu trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 và PGBank cũng không có chủ trương sáp nhập với một ngân hàng nào khác.

Trên thực tế, việc MSB có thâu tóm PGBank thì phải đạt được sự thỏa thuận từ 2 bên và ý kiến của NHNN. Dù vậy, những tín hiệu trong vài năm gần đây cho thấy MSB có lý do để thực hiện việc này.

Vấn đề còn ở chỗ là thực sự hiện tại MSB đang nắm bao nhiêu phần trăm cổ phần PGBank và phần 40% Petrolimex bán ai sẽ là bên mua. 

Trước khi Đại hội đồng cổ đông MSB diễn ra vào ngày 21/4, mọi thứ sẽ rõ ràng hơn sau phiên đấu giá công khai 120 triệu cổ phiếu PGB của PGBank tại HOSE vào ngày 7/4 tới.