"Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc.  Hay tin ma tin quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tín tông giáo nào cả.  Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn." (1)

tôi cũng hơi buồn buồn cho cái "cá tính" của người mình.  Nhưng không thể phản biện rằng ông Trần Trọng Kim sai được.  Sự thật nó rành rành ra trước mắt, và đôi khi, nếu ta bình tĩnh lại và nhìn kỹ vào chính mình, có ai trong chúng ta nói được là mình đã không vi phạm phần nào các tiêu cực trên?

Và sang thế kỷ mới này, chúng ta còn phải thêm những nét không được đẹp lắm lên bức tranh do Trần Trọng Kim phác họa hơn một nửa thế kỷ trước.

Thế thì bản sắc văn hóa của người Việt chúng ta là gì?  Những gì có thể làm chúng ta hãnh diện khi nhìn vào trong gương hoặc đem ra chia sẻ cùng nhân loại? Và quan trọng hơn cả: những gì chúng ta truyền lại cho con cháu chúng ta mà không cảm thấy ngượng với hậu thế?

Tôi tạm nghĩ cũng còn có được vài điểm "son" trong kho tàng văn hóa Việt ở thời điểm này: một bản sắc lâu đời nhất mà ta biết được là bình đẳng giới; một nghệ thuật độc đáo nhất là Múa Rối Nước; và một món ăn tượng trưng cho người Việt ta là Phở.

Không ai phủ nhận là trong kho tàng văn hóa Việt còn rất nhiều các "món" khác, cũng hấp dẫn, cũng đặc sắc, và cũng cần được bảo tồn, phát huy như ca dao truyền khẩu, lòng yêu nước, tình yêu, lòng hiếu học, tính hài hòa với thiên nhiên, hoặc một nồi cá bông lau kho tộ, một khúc hát Trịnh Công Sơn, một câu thơ Hồ Xuân Hương hay một câu vè dí dỏm không biết ai sáng tác.  Công việc to lớn này là việc của cả nước, cả dân tộc.  Ở đây tôi chỉ giới hạn vào ba "đặc sản" kể trên.

Thời nguyên sơ: phụ nữ Việt có lẽ bình đẳng hơn

Có những lúc tôi nghĩ nếu bây giờ tôi trở lại tuổi 20 được, có lẽ tôi sẽ đi học về khảo cổ và nhân chủng học.  Lý do: tôi muốn tìm lại nguồn gốc các dân tộc Việt, từ những người đến đây sớm nhất, sau khi rời khỏi lục địa Phi, cho đến những bộ lạc sinh nhai khắp miền Đông Nam Á trước khi nhà Hán lập nên đế quốc Trung Hoa, khoảng 21 thế kỷ nay. Khác với văn hóa Trung hoa, hầu hết các dân tộc Việt dùng lối truyền khẩu để tổ chức xã hội cũng như truyền đạt lịch sử cho đời sau; cho nên khảo cổ học là phương tiện hữu hiệu và trung thực nhất để người Việt ở thế kỷ 21 tìm hiểu về nguồn gốc của mình. Chúng ta cần gạt bỏ nhiều lịch sử viết về ta do người Trung hoa viết và sau đó các học giả phương Tây cũng dựa vào các tài liệu này để tìm hiểu thêm về chúng ta. Và dĩ nhiên là nền giáo dục hiện nay của chúng ta cũng chỉ lập lại những gì đã được viết xuống.

Câu chuyện Mẹ Âu Cơ và Bố Lạc Long, do đó, trở nên viên đá góc của văn hóa Việt.  Ngoài  việc dạy dỗ chúng ta về nguồn gốc, nó còn là một chuyện tình rất đẹp, rất nhân bản, và là một trang sử rõ ràng nhất về bình đẳng giới của người Việt nguyên thủy.

Khi ta yêu ai thì "củ ấu cũng tròn" và khi ghét ai thì "ghét cả tông ti họ hàng" ...như vậy đủ hiểu cái mãnh lực của lòng người.  Bố mẹ chúng ta bắt đầu cũng bằng một câu chuyện tình, rồi một đàn con 100 đứa.  Nhưng đến khi hai người biết phải chia tay nhau, họ không hờn giận, oán ghét nhau; trái lại họ cư xử với nhau đầy tình người. Anh đi đường anh, em đi đường em nhưng chúng ta vẫn yêu nhau, vẫn quí nhau và vẫn có con cái chung để gắn bó chúng ta.

Và thể hiện cái tình tôn trọng lẫn nhau là cách họ "chia gia tài": không thể nào sòng phẳng hay bình đẳng hơn được.  Mẹ dẫn 50 con lên núi; bố dẫn 50 con xuống bờ biển.  Tôi chưa tìm được hết những chuyện về nguồn gốc của các dân khác, nhưng tôi không nghĩ là có nhiều dân tộc sống được bình đẳng giới như các dân Việt thời ấy.

Sau này, khi chúng ta đã bị mất chủ quyền, người anh hùng đầu tiên đứng lên dành độc lập với một đoàn quân cả nam lẫn nữ cũng là hai chị em họ Trưng. Và đến ngày nay, phụ nữ Việt Nam vẫn giữ tên thời con gái của họ, trong mọi giao dịch chính thức, cho đến khi lìa trần.

Rối Nước là nghệ thuật hoàn toàn của người Việt

Sau 11 thế kỷ hầu như luôn luôn bị người Hán thống trị, cha ông chúng ta dành lại độc lập năm 937, nhưng nước Việt vẫn còn nhiều lần nữa bị các chính quyền phương Bắc thay nhau chiếm đoạt.  Cũng may là cha ông chúng ta đều đẩy ngược lại thế cờ và bảo vệ nền độc lập cũng được 11 thế kỷ nữa.  Nhưng đó là một quốc sách, thường xuyên và không thế hệ nào có thể lơ đễnh được.  Ngay cả bây giờ, người Việt chúng ta vẫn lo ngay ngáy không biết mình giữ được độc lập này đến bao lâu.

Trong bối cảnh bảo tồn độc lập và bản sắc của mình bằng mọi giá, Rối Nước ra đời ở các làng mạc miền đồng bằng sông Hồng khoảng thế kỷ 11. Vì biết rằng người Hán sẽ trưng thu bất kỳ những gì có giá trị từ thuộc địa Việt này, người dân quê sông Hồng tương kế tựu kế vẽ ra một phương sách để giữ mãi mãi bí mậtcủa nghề này: chỉ truyền dạy cho con trai trong gia đình thôi.  Và cứ như thế, dân quê miền Bắc thưởng thức Rối Nước suốt 9 thế kỷ mà hầu hết những người vùng khác không hề hay biết.

Tôi sinh ra ở miền Bắc, lớn lên ở miền Nam, rồi đi học hành và lập nghiệp ở nước ngoài mãi đến 26 năm sau mới trở lại đất Việt.  Và lần ấy về Hà Nội tôi mới khám phá ra Rối Nước.  Cái cảm nghĩ mạnh nhất tối hôm xem Rối Nước lần đầu ấy là hãnh diện: vì cái nghệ thuật quá hay, kịch bản quá trực cảm, không cần lời thoại hoặc giải thích gì nhiều, và đặc biệt là hoàn toàn Việt.  Không có tí gì là Trung quốc, Nhật, Pháp hay Mỹ trong Rối Nước cả.  Không ai có thể lầm Chú Tễu với Tào Tháo, hay Napoleon, hay Uncle Sam được... cậu này đúng là người Việt.

Sau đó, tôi đưa đoàn Rối Nước Thăng Long sang Mỹ lưu diễn, và khán giả Mỹ cũng như Việt đều cảm nhận ngay đây là một bản sắc chỉ có ở Việt Nam.  Đoàn đã đi diễn ở nhiều nước khác trên thế giới.. và đâu đâu cũng làm rạng danh người Việt.  Tôi không nghĩ có một nghệ thuật nào có thể "thêm bạn bớt thù" cho nước Việt bằng Rối Nước.(2)

Phở tượng trưng cho một bản chất của người Việt

Một trong những "bản chất" của người Việt ta là chúng ta thường "mượn" những cái hay của người khác, chứ ít khi sáng tạo ra một cái gì độc đáo của chính chúng ta.  Rối Nước là một luật trừ quan trọng, và nếu sau này có bạn nào chứng minh được là người Việt sáng chế ra giấy rồi bị đưa sang Bắc Kinh để sản xuất, đó cũng là một luật trừ nữa.

Những cái chúng ta mượn của người khác thì đầy rẫy: từ ngôn ngữ chúng ta viết, đến căn nhà chúng ta ở, từ âm nhạc chúng ta nghe và sáng tác đến ổ bánh mì thịt chúng ta ăn lúc vội vàng... không biết bao nhiêu thứ đã làm nên xã hội bây giờ của chúng ta.  Ngôn ngữ thì đã hiển nhiên khi bạn đọc những hàng chữ này; kiến trúc của ta đến bây giờ vẫn là do người Pháp đem sang; tân nhạc Việt cũng như hội họa thật sự chỉ mới phát triển từ khi người Pháp lập ra trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương năm 1925; ngay cả các luồng tư tưởng mới về dân chủ, về quyền tự quyết, về công bằng xã hội... chúng ta cũng học từ phương Tây.

Phở cũng nằm trong danh sách các món chúng ta mượn rồi biến chế thành một món ăn đặc trưng của chúng ta đến nỗi ngày nay đi khắp nơi trên thế giới hầu hết ai cũng có thể nhận ra đây là món ăn Việt.  Nhiều nước còn nhận chữ "phở" vào trong từ vựng của họ như một danh từ mới.   Phở còn là biểu tượng những làn sóng di dân của người Việt trong thế kỷ trước: từ năm 1954, phở "nam tiến" rồi tiếp thu thêm các rau thơm của miền Nam để đến nay bát phở Pasteur và bát phở Bát Đàn, tuy thực chất không khác gì nhau mấy nhưng không ai không nhận ra là từ miền nào.  Rồi từ năm 1975 trở đi, người Việt ta đã xuất khẩu phở ra khắp thế giới, như một lời chào đầu tiên khi chúng ta gặp mọi người: chúng tôi đến từ Việt Nam.

Nhưng phở là một món ăn rất mới trong lịch sử Việt, chưa đầy 100 năm.  Đến bây giờ, các nhà nghiên cứu gần như đồng ý là phở Việt có thể mang hai ảnh hưởng từ bên ngoài: nước phở nấu bằng xương là từ người Pháp và bánh phở do người Hoa nhập vào.  Nhưng người Việt hòa hợp hai nguồn này thành một bát phở; và có lẽ nó sẽ mãi mãi được nhận diện là của người Việt. (3)

Gắn bó người trong và ngoài nước

Nhìn cách nào đi nữa, người Việt chúng ta cũng vẫn là thành viên của nhân loại, và chúng ta cũng chia sẻ những biến đổi chung với toàn cầu.  Khi nước biển dâng lên vì địa cầu hâm nóng, chúng ta cũng bị ngập lụt như những vùng ven biển khác trên thế giới; khi kinh tế suy thoái ở khắp nơi, chúng ta cũng không tránh khỏi những khó khăn như hiện nay; hoặc khi phụ nữ ở nhiều nước tiến bộ hơn ta dành được quyền bình đẳng với nam giới, tôi không nghĩ là các chị em hậu duệ của mẹ Âu Cơ, của các bà Trưng, bà Triệu hay đàn em của Hồ Xuân Hương, của những thanh niên xung phong sẽ mãi mãi cúi đầu chấp nhận cái vòng kim cô mà Khổng tử đã khoác lên đầu, lên cổ họ từ 21 thế kỷ nay.

Trong bối cảnh đó, chúng ta cũng tản mát đi khắp năm châu, như nhiều dân khác, và cũng đã lập nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới.  Cũng như họ, chúng ta -- những người sống ở nước ngoài -- đang tạo nên một sắc dân mới, vừa Việt vừa là người bản địa.  Và sau chừng vài thế hệ, khi một số con cháu chúng ta lập gia đình với người bản địa hoặc người đến từ những nơi khác, chúng ta sẽ đóng góp vào việc tạo dựng một con người mới, người của thế giới, của nhân loại.  Có khi sắp đến thời "homo universalis" chăng?

Con cháu chúng ta có còn là người Việt không?  Hay ít nhất là người "gốc Việt"? Và điều ấy có quan trọng gì không?

Tôi tạm nghĩ ba câu trả lời sẽ là: không - có - và rất quan trọng.

Biết mình (hoặc một phần của mình) là người đến từ Việt Nam, và còn mang một chút nào đó cảm tình với đất nước này sẽ rất quan trọng cho Việt Nam. Thế giới ngày càng "hoàn cầu hóa": một quyết định ở Nhật hay ở Anh ngăn cấm tôm nuôi từ đồng bằng sông Cửu Long sẽ ảnh hưởng tai hại đến nông dân Việt; trước vấn đề Biển Đông phức tạp và láng giềng tham vọng, chúng ta có thể tìm bạn, tạo đồng minh ở nhiều nơi và có tòa án quốc tế để có thể giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông; người gốc Việt đã thành công ở nhiều lãnh vực quan trọng trên thế giới và một số đã đạt đến những chức vụ then chốt trong nhiều ngành từ văn hóa, chính trị, kinh tế, luật pháp... ngay cả đến tôn giáo hoặc nghệ thuật.

Những người gốc Việt này, và thân nhân, bạn bè cùng đồng nghiệp của họ có thể là những sứ giả hay một "sức mạnh mềm" của Việt Nam trên khắp thế giới; và qua họ, Việt Nam có thể tăng thêm bao nhiêu bạn bè hoặc đồng minh.

Chúng ta có câu "vô tri bất mộ" - không biết thì không quí mến.  Tôi nghĩ một chiến lược dài hạn và quan trọng của Việt Nam trong thế kỷ này và mãi mãi sẽ phải là bảo tồn, phát huy thiện cảm với đất nước này.  Người Việt ở nước ngoài là những cánh tay của đất nước vươn ra thế giới, những cánh tay mời gọi để tăng bạn cho đất nước mà đồng thời cũng là những bàn tay vun xới cho đất nước này bắt kịp những tiến hóa của nhân loại.

Giáo sư Vũ Đức Vượng (Giám đốc, Center for American Studies(c), San Francisco - Hà Nội - TP Hồ Chí Minh)