Leo bờ tường, trèo thang hái rau
Ba năm trước, chị Đặng Thị Thơm (SN 1985, quê Đắk Lắk) bắt đầu trồng giống cải kale sau khi nhận thấy các giống cải thông thường “chưa kịp thu hoạch đã già úa”. Vốn có kinh nghiệm trồng các loại rau củ, cây cảnh, những luống kale của chị nhanh chóng xanh tốt, cao lớn.
Đặc biệt, một số cây kale lớn nhanh khác thường. Chúng liên tục mọc cao như cây thân gỗ. Đến nay, khu vườn đầy ắp cây trái của chị nổi bật bởi 3 cây cải kale vươn cao hơn 3m.
Trông từ xa, không mấy ai biết đây là cây cải kale. Nhiều người lầm tưởng chúng là cây cau, đu đủ, dừa… Chị Thơm chia sẻ: “Cây cao nhất tôi trồng từ năm 2020. Lúc đầu, tôi cũng nghĩ cây chỉ sống, cho lá được 1 năm thôi”.
“Không ngờ, sau khi thu hoạch, cây vẫn phát triển và liên tục cao. Đến nay, cây đã cao hơn 3m. Gốc, thân cây chai cứng như cây thân gỗ. Tuy vậy, cây vẫn cho lá non bình thường. Đặc biệt, hái lá từ cây này về ăn vẫn tươi, ngon như cải mới trồng”, chị nói thêm.
Sở hữu những cây cải “khổng lồ”, chị Thơm và các thành viên gia đình cũng có những cách chăm sóc, thu hoạch đặc biệt. Mỗi lần bắt sâu, hái lá, chị và các con đều phải trèo lên bờ tường hoặc bắc thang mới có thể chạm được đến những chiếc lá xanh non của cây.
Do thân yếu nên khi cây vươn cao, chị Thơm phải cắm cọc, làm giá đỡ để cây không bị gãy, đổ. Hằng ngày, chị Thơm đều dành thời gian quan sát, chăm sóc những cây kale “khổng lồ” của mình.
Để đảm bảo cây phát triển tốt, chị cố gắng không sử dụng các loại thuốc, phân bón hóa học. Thậm chí, chị chấp nhận trèo bờ tường, bắc thang để bắt sâu cho cây bằng tay mỗi ngày.
Chỉ khi sâu quá nhiều, bắt bằng tay không xuể, chị mới sử dụng các chế phẩm sinh học. Tuy nhiên, trước khi xịt thuốc, chị thường thu hoạch hết các lá to, lá già rồi ép thành nước, sinh tố... để sử dụng.
Hai tuần sau khi xịt thuốc, cây lại cho lá non. Lúc này, chị có thể thu hoạch lá để chế biến các món ăn theo ý thích. Mỗi lần thu hoạch, chị lại chừa lại ít lá non để cây quang hợp, tiếp tục phát triển.
Nơi sống ảo, vui đùa cùng con
Sau 3 năm trồng giống cải giàu dinh dưỡng, chị Thơm đã nắm bắt những kinh nghiệm cơ bản, giúp cây thoát sâu bệnh, chết vì thối thân. Trước khi trồng, chị xử lý đất thật kỹ, sạch bệnh, thoát nước tốt…
Khi phát hiện cây có dấu hiệu bị thối thân, chị gọt bỏ phần thối. Sau đó, chỉ cần bôi vôi bột khô vào vị trí vừa gọt bỏ cây sẽ không bị chết. Nhờ phương pháp này, chị đã cứu sống và nuôi dưỡng thành công những cây kale cao hơn 3m của mình.
Ngoài người dân địa phương, những cây cải cao lớn dị thường cũng khiến các con chị Thơm ngạc nhiên, thích thú. Chị nói: “Vì cây khá cao nên các con nhà tôi rất thích ngắm và chụp ảnh”.
“Hằng ngày, các con đều ra vườn cùng tôi ngắm cây, bắt sâu, hái quả. Bé lớn nhà tôi vẫn thường trèo bờ tường, thang để bắt sâu, hái lá trên những cây kale cao hơn 3m. Các bé tỏ ra rất thích thú với công việc này”.
Ngoài trồng được những cây kale cao lớn, chị Thơm còn nổi tiếng là người giỏi trồng hoa trái. Trước khi có khu vườn đủ các loại rau, trái, chị từng khiến mọi người ngưỡng mộ khi trồng thành công vườn hoa hồng rực rỡ sắc màu.
Thời điểm đó, khu vườn của chị được phủ kín bởi những loại hoa hồng từ bản địa đến ngoại nhập. Sau đó, chị nhận thấy chỉ trồng hoa trong vườn sẽ rất lãng phí đất. Chị nghĩ nên trồng thêm các loại rau, cây ăn trái để bổ sung nguồn vitamin tự nhiên cho cả gia đình.
Sau suy nghĩ ấy, chị Thơm bắt tay vào cải tạo vườn hoa hồng của mình. Chị trồng thêm rau và các loại cây ăn trái. Sau ít năm, khu vườn đã đầy ắp hoa trái, rau non và trở thành nơi chị vui đùa cùng các con.
Chị chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng ở ngoài vườn để trồng, chăm sóc cây. Những việc nặng nhọc, tôi sẽ nhờ chồng. Các việc còn lại như: làm cỏ, bón phân, thu hoạch… tôi tự mình làm hết”.
“Tôi có đam mê trồng, ngắm, thu hoạch cây trái nên dẫu có phơi nắng, đội mưa ngoài vườn cũng không thấy cực. Ngược lại, tôi cảm thấy vui vì có một khu vườn để gia đình có rau xanh sử dụng quanh năm vừa là nơi để các con vui chơi, làm quen với cây cỏ”, chị nói thêm.
Bài: Hà Nguyễn
Ảnh: Nhân vật cung cấp