Chị Mỹ Liên (SN 1976, sống ở TP Biên Hòa, Đồng Nai), bắt đầu làm vườn trên cao từ năm 2018, khi trào lưu này nở rộ và được lan tỏa rộng rãi khắp Việt Nam.
Khu vườn của chị Liên có tổng diện tích khoảng 70m2, gồm sân thượng tầng 3 rộng 50m2 và ban công tầng 2 rộng 20m2.
Chị Liên bố trí trồng các loại cây leo giàn và cây ăn quả trên sân thượng, gồm: Bầu, bí, mướp, khổ qua, đậu đũa, đậu bắp, ổi, táo, đu đủ, thanh long, dưa lưới, dưa hấu, dưa bở, cà chua, táo Thái, ổi Đài Loan…
Còn khu vực tầng 2, nữ gia chủ ưu tiên chăm sóc các loại rau ăn lá như cải bẹ xanh, cải ngọt, cải cúc, cải kale, rau muống, rau dền… và một số giống rau thơm.
Chị Liên chia sẻ, thời gian đầu làm vườn trên sân thượng, công đoạn vất vả nhất là vận chuyển đất, phân bón và vật tư lên cao. Chưa kể, quá trình phơi, trộn rồi ủ đất mỗi vụ mới cũng tốn khá nhiều thời gian và công sức.
“Nhưng vì đam mê và nghĩ đến việc có vườn rau sạch ngay tại nhà, mình không còn thấy quá mệt. Mỗi ngày, mình làm từng ít một để không bị mất sức nhiều”, chị kể.
Theo kinh nghiệm của nữ gia chủ 48 tuổi, để vườn rau xanh tốt và cho năng suất cao đòi hỏi khâu xử lý đất ban đầu phải tỉ mỉ, cẩn thận. Đất phải đảm bảo tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt, đồng thời đủ ánh sáng và nước tưới hàng ngày.
Bên cạnh đó, cây giống và hạt giống được chị tìm mua từ những địa chỉ uy tín, ưu tiên trồng theo mùa, phù hợp với khí hậu, thời tiết của địa phương để rau lớn nhanh và ít gặp sâu bệnh.
Chị Liên cho hay, các loại rau ăn lá như bắp cải, củ cải, xà lách, cải xanh, cải ngọt, cải thìa, rau muống, mùng tơi… dễ trồng và nhanh thu hoạch, đặc biệt là xà lách. Loại rau này hiếm khi có sâu bệnh, không cần chế biến, hái xuống rửa sạch là ăn được.
Riêng dưa hấu và dưa lưới là khó trồng nhất. Những giống cây này thường bị bệnh, đòi hỏi quá trình chăm sóc kỳ công.
Năm nay, chị Liên dành hẳn một nửa diện tích sân thượng để chinh phục 70 gốc dưa các loại như dưa lưới Huỳnh Long, dưa lê hoàng kim, dưa bở, dưa hấu… thay vì chỉ trồng vài cây như mọi năm.
“Con gái mình rất thích ăn dưa nhưng những vụ trước mình trồng, dưa chưa đạt chất lượng tốt nhất. Thấy con có chút thất vọng nên năm nay, mình quyết tâm trồng số lượng nhiều hơn, tìm hiểu kỹ khâu xử lý đất và chăm sóc cây thật bài bản để có thành quả, cho con được tự tay thu hoạch và thưởng thức”, chị nói.
Theo chủ nhân khu vườn, để dưa khỏe và cho trái chất lượng thì trước tiên phải chọn được hạt giống chuẩn. Sau đó là công đoạn xử lý cho giá thể hết mầm bệnh, đảm bảo tơi xốp và thoát nước tốt, đồng thời chú ý bón phân từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, để phun phòng bệnh cho cây, chị ưu tiên sử dụng một số chế phẩm sinh học như: Neem oil, biob, radian. Với trường hợp cây bị bệnh nặng, chị thường nhổ bỏ, kết hợp phơi đất và luân canh cây trồng để rau trái ít bệnh hơn.
Con gái chị Liên thích thú với vườn dưa lưới trên sân thượng và hào hứng thưởng thức thành quả lao động cùng mẹ
Hàng ngày, chị Liên dành khoảng 2 tiếng đồng hồ buổi sáng và chiều để lên vườn, chủ yếu là thu hoạch và tưới cây. Cuối tuần rảnh rỗi hơn, chị dành cả ngày để phơi trộn ủ đất, gieo hạt, tách cây, phun phòng và bón phân.
Mẹ đảm Đồng Nai bày tỏ, tuy làm vườn trên sân thượng khá tốn thời gian và công sức, chi phí đầu tư ban đầu cũng nhiều nhưng bù lại, các thành viên trong gia đình được thưởng thức nguồn rau trái sạch, đa dạng mỗi ngày, không phải đau đầu suy nghĩ xem hôm nay ăn gì.
Ngoài ra, nhờ có khu vườn sum suê trên cao, chị hiếm khi phải đi chợ mua rau hay trái cây.
Chị Liên thừa nhận trồng rau sân thượng tốn kém hơn rau chợ, nhưng bù lại đảm bảo chất lượng, yên tâm về mặt sức khỏe.
“Mình hay nói đùa với mọi người rằng, nhà không cần to nhưng nhất định phải có cái sân to để trồng cả thế giới. Không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm sạch, khu vườn còn trở thành góc thư giãn lý tưởng cho các thành viên trong gia đình vào những ngày cuối tuần.
Đặc biệt, từ ngày trồng rau trên sân thượng, bệnh đau đầu của mình hết hẳn, cuộc sống cũng tràn đầy niềm vui và năng lượng hơn, lại còn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè chung sở thích”, chị Liên bày tỏ.
Ảnh, video: My Lien