- Mẹ tôi mất để lại di chúc cho tôi là một miếng đất đứng tên mẹ, được chia khi bố mẹ ly hôn. Sau đó tôi về sống với bố và mẹ kế, nhưng do còn nhỏ nên giấy tờ đất bố tôi giữ hộ. Nay bố tôi đã mất, tôi muốn đòi miếng đất đó nhưng mẹ kế không chịu trả giấy tờ, nói đó là đất của chung, tôi chỉ được chia một phần trong đó. Trên miếng đất đó cũng dựng nhà tạm để mẹ kế làm hàng quán. Xin hỏi luật sư khi mẹ tôi làm di chúc có chứng nhận của ủy ban xã thì nếu tôi không có bản gốc di chúc, tôi có thể lên xã xin lại được không? Và nếu tôi lấy lại được bản sao di chúc thì tôi phải đến cơ quan nào kiện để lấy lại được đất và giấy tờ của mình.
TIN BÀI KHÁC
Mẹ kế không cho tôi nhận mảnh đất của mẹ đẻ (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất: Việc cấp bản sao di chúc.
Khoản 3 Điều 14 Nghị định 23/2015/NĐ-CP Về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định chế độ lưu trữ thì di chúc đã được chứng thực có thời hạn lưu trữ là 20 năm
“3. Đối với việc chứng thực hợp đồng, giao dịch, cơ quan thực hiện chứng thực phải lưu một bản chính hợp đồng, giao dịch kèm theo hồ sơ; thời hạn lưu trữ là 20 (hai mươi) năm.”
Đối chiếu quy định tại Khoản 1 Điều 40 Nghị định này :
“1. Cơ quan lưu trữ hợp đồng, giao dịch có trách nhiệm cấp bản sao có chứng thực từ bản chính hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực theo yêu cầu của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch.”
Theo đó, bạn cần liên hệ UBND xã nơi mẹ bạn đã thực hiện chứng thực di chúc để xin cấp bản sao có chứng thực bản di chúc đó.
Khoản 2 Điều 3 Nghị định 23/2015 quy định “2. Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Thứ hai: Tranh chấp về di sản thừa kế
Theo quy định tại Điều 33, Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thừa kế mà di sản thừa kế là bất động sản.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc