Tuy nhiên, cách kiểm tra thông thường này cũng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của mỗi người, do đó khó chắc chắn đưa ra được kết luận xe từng bị thủy kích. Người mua xe ô tô đã qua sử dụng vì vậy nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc của xe thay vì mua theo cảm tính.

Dưới đây là một số đề mục được đề xuất kiểm tra để nhận biết ô tô có từng bị ngập nước hay không.

Kiểm tra đèn pha

Trước hết, khi kiểm tra xe bằng mắt thường, người mua nên quan sát khu vực đèn pha của xe. Nếu chiếc xe ô tô đã bị ngập nước, vỏ đèn pha thường xuất hiện các vệt ố vàng, mờ, ngấn nước hoặc vết xước do đã tháo ra để lau chùi.

Kiểm tra toàn bộ bu lông, ốc vít trên xe

Bên cạnh việc quan sát phần đèn pha, người mua xe nên kiểm tra cả những vị trí bu lông, ốc vít. Nếu có dấu hiệu bị gỉ sét, xước, có vết kẹp, tháo vặn hay thậm chí là một con ốc sáng bóng, thì cũng đều là những khả năng xe đã bị đem đi sửa chữa và thay thế.

anh-chup-man-hinh-2023-11-25-luc-102234-1.png
Ảnh minh hoạ: VNN.

Ngoài ra, người mua xe cũng phải để ý toàn bộ ốc trên máy, các đường dẫn nhiên liệu, nước làm mát hay dây điện... xem còn dính vết dầu mỡ trên đó hay không, bởi đây có thể xem như dấu hiệu đã từng bị tháo lắp.

Kiểm tra gioăng đầu bò và nắp máy

Ở chi tiết này, nếu thấy phần gioăng đầu bò và nắp máy mới tinh hoặc silicon bị tràn ra ngoài, tức động cơ đã có sự can thiệp từ bên ngoài. Thông thường, đối với chiếc xe còn nguyên "zin" chưa từng bị mở máy thì phần gioăng này sẽ khít và đường silicon rất thẳng.

Kiểm tra khoang nội thất của xe

Nếu một chiếc xe đã bị ngập nước, khi bước vào bên trong xe sẽ cảm nhận được mùi ẩm mốc rõ rệt. Chủ xe cũ hoặc nơi bán xe sẽ có thể sử dụng nhiều loại nước hoa, khử mùi để lấn át đi mùi ẩm mốc trong khoang xe.

Do vậy, để xác minh điều này, người mua xe cũ nên vào trong xe, đóng hết cửa và tắt hệ thống điều hòa. Nếu mùi nước hoa hay xịt khử mùi quá nồng hoặc mùi ẩm mốc rõ rệt thì người mua xe nên tránh chọn những chiếc xe như vậy.

Ngoài ra, người mua cần lật thảm trải sàn và kiểm tra xem có bùn đất dính ở khu vực dưới mặt sàn hoặc ngóc ngách xe hay không. Nếu kiểm tra phần dưới bàn đạp phanh, bàn đạp ga, bu lông gầm ghế...có thấy dấu hiệu bất thường thì người mua cần tránh.

Kiểm tra gầm xe và hệ thống ống xả

Khu vực bên dưới gầm xe ô tô là nơi tập hợp rất nhiều chi tiết bằng kim loại, hơn nữa đây cũng là nơi tiếp xúc đầu tiên và nhiều nhất với nước. Vì vậy, khi mua xe ô tô thì người mua nên kiểm tra cả phần dưới gầm để phát hiện những chi tiết bị gỉ sét, ố vàng, hay những dấu hiệu đã từng bị tháo lắp.

Lái thử xe

Bên cạnh việc kiểm tra quan sát bằng mắt thường, người mua phải kiểm tra bước cuối cùng bằng cách cầm lái để cảm nhận được khả năng vận hành của chiếc xe.

Đầu tiên, người mua cần khởi động máy để nghe âm thanh từ ống xả và xem có xuất hiện khói hay không. Sau đó, tăng tốc từ chậm đến nhanh để cảm nhận độ nhạy chân ga, chân phanh, hệ thống lái, sự ổn định của thân xe khi vào cua tốc độ cao.

Sau khi chạy khoảng 10 phút, cần mở nắp capo để kiểm tra nhiệt độ của động cơ, nếu ở mức ấm và vẫn có thể chạm tay thì có thể yên tâm về chiếc xe này. Nếu qua sửa chữa thì động cơ sẽ rất nóng, có thể không chạm vào được.

Theo VTC
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên?  Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!