Lời tòa soạn

Chốn công sở, bên cạnh chuyện công việc, chuyên môn, là một xã hội thu nhỏ với đủ hỷ nộ ái ố. Những câu chuyện bên lề nơi công sở đôi khi ảnh hưởng rất nhiều tới năng suất lao động và hiệu quả công việc của các nhân sự.

VietNamNet mở tuyến bài Chuyện khóc cười chốn công sở, mời độc giả chia sẻ những câu chuyện bi hài xung quanh các mối quan hệ ở nơi làm việc của mình. Bài viết xin gửi về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn.

Nếu ai từng trải qua vài ba công ty, chắc cũng hiểu đời sống công sở không hề đơn giản. Trừ phi bạn may mắn tìm được một môi trường văn minh, thân thiện. 

Có những nơi, nói không ngoa, mỗi buổi chiều bước chân ra khỏi công ty là thở phào một cái. Tôi từng làm việc ở một môi trường như thế những ngày mới ra trường. Sau 3 tháng, tôi "chạy mất dép" dù công việc vẫn đang khá ổn. 

Hồi ấy, tôi vào làm kế toán cho một công ty về thực phẩm. Công ty nhỏ, phòng kế toán ngồi chung với bộ phận hành chính. Cả phòng chỉ có 5 người. 

Ngày đầu đi làm, tôi mang hoa quả lên mời. Mọi người vui vẻ ăn uống và hỏi chuyện gia đình, quê quán. Tôi cũng thật thà trả lời và chia sẻ rằng, tôi vào đây là do được anh trưởng phòng kinh doanh – anh họ tôi giới thiệu.

Công ty của gia đình, nên tôi nghĩ chuyện giới thiệu người quen vào làm cũng là bình thường. Nhưng ai ngờ, sau khi biết, một số người đối xử với tôi khác hẳn. Nhiều lần, 2 đồng nghiệp đang cười nói rôm rả nhưng khi tôi bước vào, họ dừng ngay câu chuyện, quay mặt vào màn hình. 

cong so.jpg
Có những nơi, tôi nói không ngoa, mỗi buổi chiều bước chân ra khỏi công ty là thở phào một cái.  Ảnh minh họa: WikiHow

Công ty tan làm lúc 17h, nhưng mọi người hay rục rịch về từ 16h. Chuyện đấy tôi thấy cũng bình thường, vì là công ty nhỏ nên có thể tự linh động sắp xếp công việc sao cho hiệu quả là được. Tôi nghĩ là lãnh đạo công ty cũng biết và không khó khăn gì chuyện đó.

Tôi là người mới, cần học nhiều thứ nên tôi hay ở lại muộn hơn. Một hôm, tôi về lúc 16h. Hôm sau, tôi vừa đến công ty đã nghe một đồng nghiệp bóng gió: “Hồi xưa chưa chồng con gì, mình ngày nào cũng ngồi đến 18h. Giờ thạo việc mới về sớm, chứ khi còn học việc lúc nào cũng về muộn nhất”.

Nghe chị nói xong, tôi thấy rát cả mặt. Từ hôm đó, kể cả không còn việc gì, tôi cũng cố ngồi đến 17h mới dám về. Tôi nghĩ mình mới vào thì chịu nhịn một tí. 

Nhưng khó chịu nhất là việc bị các chị soi mói từng li từng tí. Có lần tôi quên không bỏ tờ giấy ăn vào thùng rác trước khi về. Hôm sau, một chị vỗ thẳng mặt tôi: “Em về phải dọn bàn cho sạch sẽ. Để bẩn thỉu thế, ai mà chịu được”.

Thực sự tôi vừa tức vừa xấu hổ. Chỉ có mỗi tờ giấy ăn mà chị nói nặng nề quá. Trong khi nhiều hôm, hoa quả ăn thừa, tôi thấy chị vẫn để chỏng chơ trên bàn, chẳng dọn dẹp gì. Nhưng tôi không dám cãi vì mình mới vào, lại nhỏ tuổi nhất.

Có lần, tôi để xảy ra một chút sai sót trong văn bản, cũng không phải lỗi gì quá nghiêm trọng. Chị buông một câu: “Anh T. giới thiệu vào mà làm ăn thế này à?”.

Chưa dừng lại ở đó, tôi còn bị những người đồng nghiệp xấu tính ấy đặt điều, nói xấu. Trong phòng có một chị thi thoảng vẫn nói chuyện với tôi. Một hôm, hai chị em rủ nhau đi ăn trưa, chị đột nhiên hỏi: “Chị hỏi thật, em với anh T. có phải họ hàng không hay là bạn bè, anh em xã hội?”.

Anh T. là anh trưởng phòng kinh doanh đã giới thiệu tôi vào đây. Anh là họ hàng xa ở bên ngoại nhà tôi. Nghe chị hỏi thế, tôi thoáng giật mình, khẳng định lại với chị rằng chúng tôi đúng là họ hàng. 

Tôi hỏi sao chị lại hỏi vậy, thì chị bảo có người trong phòng nói: “Chắc gì đã phải họ hàng vì có lần nhìn thấy 2 người đi ăn trưa thân mật lắm”. Tôi hốt hoảng bác bỏ ngay tin đồn ấy, vì nếu nó lan ra, không phải chỉ mang tiếng cho tôi, mà còn mang tiếng cả cho anh T. vì anh còn là em rể giám đốc.

Anh lấy em gái ruột giám đốc và đã có 2 đứa con xinh xắn, gia đình rất hạnh phúc. Bữa tôi đi ăn với anh vì anh muốn hỏi han xem công việc của tôi thế nào, có gặp khó khăn gì không.

Chị đồng nghiệp nghe tôi giải thích xong, bảo: “Ừ, chị cũng không nghĩ em như thế. Chị nhắc để em cẩn thận với miệng lưỡi chốn công sở”. 

Chị bảo, sở dĩ chị thương quý tôi là vì chị nhìn thấy hình ảnh của mình trong đó. Ngày xưa, chị mới vào cũng bị các “ma cũ” đối xử như thế. Chị còn bị người ta soi mói cả việc nay mặc váy ngắn hay váy dài, hẹn đi ăn với ai, người yêu có đến đón hay không… “Chuyện gì người ta cũng có thể lôi ra mỉa mai được” – chị kể.

Thậm chí, khi biết người yêu chị là chủ doanh nghiệp, con nhà có điều kiện, họ còn nói ra những lời cay nghiệt hơn. “Chắc có lẽ người ta thấy mình chưa chồng, xinh xắn, trẻ trung nên ngứa mắt em ạ!”, chị nói.

Sau 3 tháng, tôi xin nghỉ, phần vì thấy bức bối với môi trường làm việc kém văn minh, phần vì đã kiếm được chỗ khác tốt hơn. Nhưng câu nói của chị đồng nghiệp khiến tôi nhớ mãi. Đôi khi, ở đời, mình chẳng làm gì cũng khiến người khác khó chịu.

Độc giả Thu Trang