72pec2d82jc4wvqh281uptz725z291y3.jpg
Meta đang bị cáo buộc trục lợi từ quyền riêng tư của người dùng châu Âu trên các nền tảng xã hội của mình.

Theo đơn khiếu nại, Meta đã bỏ qua quyền của người dùng trong việc từ chối bị theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram của mình.

NOYB cho rằng cách duy nhất để người dùng từ chối bị theo dõi trên Facebook và Instagram là nâng cấp gói đăng ký trả phí, điều này là bất hợp pháp. Theo Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) được EU áp dụng, việc từ chối sự theo dõi của nền tảng phải dễ dàng như việc đồng ý.

Hiện nay, việc đồng ý bị theo dõi trên các nền tảng Facebook và Instagram chỉ đơn giản bằng một thao tác nhấp chuột, nhưng để thu hồi quyền buộc người dùng phải duyệt một số trang web và chấp nhận trả “phí riêng tư” để được cung cấp dịch vụ không có quảng cáo.

Từ tháng 11/2023, để tuân thủ GDPR, Meta cho phép người dùng Facebook và Instagram ở châu Âu có thể đăng ký các gói dịch vụ trả phí không có quảng cáo, trong đó người dùng có thể lựa chọn về việc cho nền tảng thu thập và sử dụng dữ liệu của họ phục vụ hoạt động quảng cáo được nhắm mục tiêu.

‘Phí riêng tư’ dao động từ 9,99 Euro/tháng (với người dùng web) đến 12,99 Euro/tháng (với người dùng iOS và Android). Từ ngày 1/3, dự kiến người dùng sẽ phải trả thêm 6 Euro/tháng (với người dùng web) đến 8 Euro/tháng (với người dùng iOS và Android) cho mỗi tài khoản.

Massimiliano Gelmi, luật sư của NOYB, cho biết: “Luật pháp rất rõ ràng, việc từ chối cũng phải dễ dàng như đưa ra sự đồng ý. Tuy nhiên, việc phải trả tới 251,88 Euro/năm để từ chối không đơn giản như nhấp vào “OK” để chấp nhận bị theo dõi”.

Đáp lại, trong một bài đăng trên blog, Meta tuyên bố việc trả phí dịch vụ để thay thế cho việc xem quảng cáo là một mô hình kinh doanh có uy tín và hiệu quả về mặt kinh tế trong nhiều ngành. Vì vậy, việc Meta cung cấp gói dịch vụ không có quảng cáo là ‘giải pháp tốt nhất để tuân thủ’ và ‘đáp ứng những phát triển quy định, hướng dẫn và quyết định mới nhất của tòa án do các cơ quan quản lý và tòa án hàng đầu châu Âu đưa ra trong những năm gần đây’.

(theo Securitylab)